Tìm hiểu thông tin về giống cây lộc vừng
- Tên gọi khác: Cây lộc mưng.
- Tên trong khoa học: Barringtonia acutangula.
- Chi: Lộc vừng.
Lộc mưng vốn được tìm thấy chủ yếu tại các vùng đất ẩm ven biển Bắc Úc và Nam Á. Tại nước ta, cây hoa phát triển ở khắp mọi nơi từ miền Bắc tới miền Nam, thuộc loại cây trồng trang trí rất phổ biến.
Cây hoa thuộc giống cây thân gỗ lâu năm, có chiều cao thân ở mức trung bình từ 2 – 5m. Tuy nhiên, trong điều kiện sinh trưởng tốt có thể lên tới 10m. Đặc trưng cây hoa có thể cho ra hoa quanh năm tùy theo điều kiện khí hậu cũng như thời tiết nơi trồng. Hoa của cây thường có màu đỏ, mọc dạng chùm từ 6 – 20cm, kéo dài thành chuỗi rủ xuống rất đẹp mắt.
Lá của cây hoa lộc vừng có dạng mác, thuôn dài, màu xanh lá, mọc xum xuê. Với những cây có tuổi thọ lâu đời, tán phát triển mạnh có thể sử dụng che mưa, nắng rất hiệu quả. Mùa hoa của cây thường bắt đầu từ tháng 3 tới hết tháng 8. Mùa hoa nở đỏ rực sẽ có hương thơm thoang thoảng nhưng vẫn rất ngọt ngào. Mùa đông, hoa không nở sẽ bắt đầu rụng lá. Mùa Xuân, cây sẽ bắt đầu mọc lá và phát triển sẽ tiếp tục phát triển.
Quả lộc vừng thường có dạng hình hộp hay tròn. Đường kính của quả thường trong khoảng từ 9 – 11cm, lớp vỏ dày xung quanh hạt. Quả thường có màu xanh, khi chín chuyển sang vàng nâu.
>>> Xem thêm: Tan chảy trước trước thiên đường hoa cải trắng ngày cuối đông
Hoa lộc vừng có mấy loại
Theo các tài liệu cho thấy, hiện có nhiều chủng loại lộc vừng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Nếu như muốn phân biệt được các loại cây thì người trồng cần căn cứ vào những đặc điểm nổi bật của từng loại như:
Lộc vừng hoa trắng
Loại cây hoa trắng còn gọi là lộc vừng chùm – Barringtonia Racemosa. Cây khi nở cho hoa màu trắng, thành từng chùm nên thường được trồng với mục đích trang trí cũng như làm đẹp cho không gian sống. Ngoài màu trắng phổ biến, hoa có thể có màu phớt hồng rất bắt mắt.
Hoa lộc vừng đỏ
Giống hoa có nguồn gốc từ các khu vực ngập nước ở ven biển phía nam châu Á như: Quần đảo Philippines và một phần ở phía Bắc châu Úc quần đảo Queensland. Loài cây này đã được người Pháp đưa về Việt Nam trồng quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Sau đó, giống hoa này đã được trồng phổ biến hơn tại vùng Đồng bằng và trung du phía Bắc, các tỉnh phía Nam như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Phú Yên, Côn Đảo.
Giống hoa đỏ ưa ẩm, sáng nên thường mọc quanh khu vực ao hồ, sông suối, đầm nước. Hạt của cây có thể phát tán tới những nơi khác nhờ dòng nước chảy. Khả năng tái sinh chồi của cây khá tốt nhưng phát triển từ hạt tương đối kém nếu như không gặp điều kiện sinh trưởng thuận lợi.
Về cơ bản, loại hoa này có đặc điểm không khác biệt gì nhiều so với những họ lộc mưng khác. Điểm khác biệt chủ yếu là khi hoa nở có màu đỏ rực sặc sỡ.
Hoa rau vừng
Cây rau vừng (cây chiếc) – Barringtonia Asiatica được trồng chủ yếu tại các tỉnh khu vực Nam Bộ, vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên. Điểm nổi bật nhất của cây hoa đó là chỉ sinh sống tại các khu vực rừng ngập mặn hay bên cạnh bờ biển dọc theo khu vực Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương. Bởi vậy, giống hoa này có khả năng chịu hạn cũng như chịu mặn rất tốt.
Cây rau vừng thường trồng để tạo bóng mát do tán lá của cây khá to và xum xuê. Một trong những điều đặc biệt đó là quả của loại cây rau vừng này không được tạo nên từ hoa mà mọc từ chính cành cây. Điều này càng làm cho cây hoa thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Cây lộc vừng lá lớn
Giống hoa sống chủ yếu tại vùng đất có độ ẩm cao như: Ven biển Nam Á từ Philippines tới Afghanistan, phía Bắc Australia vùng Queensland. Ở Việt Nam, cây hoa mọc nhiều từ Bắc tới Nam, thậm chí cả Côn Đảo.
Loài hoa lộc vừng lá lớn thường có đường kính thân từ 15cm – trên 40cm (tùy theo môi trường sống). Thân cây hoa xù xì, tán lá rộng, xum xuê. Phần lá cây lớn hơn so với các loại lộc vừng khác. Mặt trên của các lá thường có màu xanh bóng. Mặt dưới thường có màu xanh trắng với các đường gân lá nổi rõ ràng.
Hoa của cây lá lớn thường nhỏ hơn so với những loại lộc vừng khác, mọc dạng chùm, có tua, rủ xuống rất đẹp mắt giống như pháo giấy. Màu sắc của hoa chủ yếu là màu trắng, đỏ. Một số cây thường có màu vàng (khá hiếm).
Tới mùa hoa nở, cây thường có mùi thơm ngọt dịu nên thu hút được các loài dơi hay côn trùng hút mật. Ban đêm, hương thơm ngào ngạt tỏa ra thơm hơn so với ban ngày.
Cây lộc vừng lá lớn dễ trồng, dễ chăm hơn những loài còn lại. Hoa cho đều quanh năm nên thường được lựa chọn sử dụng trồng quanh vườn trang trí hay đưa lên chậu làm cây bonsai.
Cây lộc vừng lá nhỏ
Lộc vừng lá nhỏ – Barringtonia Acutangula Gaertn, nguồn gốc từ châu Á và châu Úc. Khi còn non, vỏ của cây nhẵn mịn và có màu xanh. Khi già thì có màu nâu xám, vỏ sần sùi hơn, nứt dọc bong ra từng mảng có hình chữ nhật.
Tán lá của cây rộng và dày, nhiều cành. Lá của cây thường đan xen vào nhau. Khi còn non, lá của cây thường có màu xanh, khi già lá chuyển dần sang màu vàng. Lá mọc dạng đơn, hình thuôn tròn hay hơi nhọn. Phần mặt trên của lá thường có màu đậm hơn mặt dưới.
Hoa của cây thường có màu đỏ, mọc từng chùm dài, có thể dài tới 1m rất bắt mắt. Hoa thường nở vào thời điểm chập tối. Loài cây thường được trồng trong nhà, ngoài công viên vừa trang trí thêm cảnh đẹp cho nơi trồng mỗi khi hoa nở, vừa giúp thanh lọc cho bầu không khí trong lành hơn.
>>> Xem thêm: Hoa tuyết mai ngủ đông cho mùa Xuân thêm ấm áp
Sự tích hoa lộc vừng
Trong kho tàng dân gian Việt Nam còn truyền lại một câu chuyện liên quan tới loài hoa lộc mưng. Cho tới tận ngày nay, mỗi khi nhắc tới loài hoa này người đời vẫn còn nhắc tới sự tích này:
Tích xưa kể lại rằng, thủa xưa có một cặp đôi yêu thương nhau sâu đậm. Cô gái là thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần, dịu dàng và thùy mị. Chàng là đấng nam nhi giỏi giang, mạnh mẽ.
Trong vùng bấy giờ có tên nhà giàu đem lòng yêu cô gái nên đã tìm mọi cách để hại chàng trai, hòng chiếm được người đẹp. Hắn ta đã hứa trả công hậu hĩnh cho chàng khi vào rừng tìm được báu vật dâng tặng trong lễ hội làng. Vì muốn có tiền cưới người thương, chàng trai đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy vào rừng sâu tìm kiếm. Chàng đi mãi, đi mãi tới khi kiệt sức và không thể trở về được nữa.
Lại nói về cô gái, ngày ngày trông mong không thấy bóng dáng người yêu. Cô nàng đã đi tìm. Cô gái cũng đi mãi, cuối cùng tìm thấy xác chàng trai trong rừng. Vì quá đau khổ, tuyệt vọng mà người con gái đó cũng ngã gục bên người yêu và mất đi. ‘
Tại nơi hai người mất, mọc lên một loại cây có cành hoa đỏ thắm, kiêu sa. Những bông hoa rơi rụng xuống như giọt lệ của người con gái xót thương cho người mình yêu. Người đời về sau gọi là cây lộc vừng – Loài cây của tình yêu thủy chung, da diết.
Ý nghĩa hoa lộc vừng
Cây lộc vừng không chỉ đơn thuần chỉ là cây trồng trang trí, làm cảnh. Ý nghĩa ẩn sau trong từng cánh hoa, tán cây thực sự có thể khiến các bạn bất ngờ:
Trong đời sống
Cây lộc vừng thường mọc với cành lá xum xuê. Đặc điểm này thường biểu trưng cho sự sum vầy, đoàn kết cũng như gắn bó giữa các thành viên trong đại gia đình. Bên cạnh đó, gốc cây lộc mưng thường có đường kính to, chắc chắn thường tượng trưng cho ý chí sắt đá, kiên định cũng như khó lay chuyển cho gia chủ.
Ý nghĩa phong thủy
Theo quan niệm từ xa xưa, cây hoa lộc vừng thuộc nhóm Tam Đa
- Cây sung – Phúc.
- Cây lộc vừng – Lộc.
- Cây vạn tuế – Thọ.
Hoặc thuộc bộ tứ cây phong thủy phương Đông gồm:
- Sanh.
- Sung.
- Tùng.
- Lộc.
Vì thế, loại cây hoa này được rất nhiều người ưa chuộng, trồng làm cảnh với mong muốn cầu mong may mắn, sung túc, thịnh vượng, thành công trong năm mới. Màu đỏ của hoa biểu trưng cho chuyện hỷ, phát tài phát lộc.
Không chỉ tượng trưng cho ý nghĩa rước lộc về nhà. Cây hoa còn mang năng lượng dương, xua đuổi khí xấu, những điều không may mắn hay tà ma, mang tới cảm giác an toàn.
Thực tế, tuổi thọ của cây lộc mưng rất cao. Chính điều này đã thể hiện cho điềm lành về sự trường tồn cũng như bền vững với thời gian. Nếu như gia đình có người lớn tuổi sẽ luôn được “bách niên giai lão”.
Hoa lộc vừng có tác dụng gì?
Cây hoa lộc mưng có nhiều công dụng tuyệt vời mà không phải ai cũng biết tới. Một số những giá trị mà cây hoa mang tới không thể bỏ qua đó là:
Trang trí sân vườn
Với những ý nghĩa phong thủy giá trị, cây lộc mưng được nhiều người lựa chọn làm biểu tượng phục vụ cho hoạt động trang trí sân vườn rất phổ biến. Vẻ ngoài độc đáo, màu hoa đỏ thắm, cây hoa thường mang tới giá trị thẩm mỹ cao cho không gian nhà ở. Cùng với đó, hương thơm ngào ngạt của hoa thường mang tới cảm giác thư giãn, dễ chịu cho người chiêm ngưỡng.
Theo nhiều nghiên cứu, cây hoa thường có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Lá cây thường có vai trò quang hợp, lấy chất thải, khói bụi độc hại trong môi trường. Đồng thời, cung cấp oxy giúp cho không gian dễ chịu và trong lành hơn.
Hoa lộc vừng có chứa nguồn dưỡng chất rất thích hợp cho cơ thể người. Cây hoa cũng chính là “lá phổi xanh” cân bằng không khí, mang tới không gian tận hưởng, thư giãn tuyệt vời.
Công dụng trong y học
Cây lộc vừng có giá trị to lớn trong y học. Cây hoa có thể được điều chế giúp chữa các bệnh liên quan tới viêm loét dạ dày, hành tá tràng, giảm đau,… Ngoài ra, cây hoa cũng còn được nghiên cứu để làm thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Người bệnh có thể sử dụng bằng cách sắc uống hay bôi lên vết thương, nấu lên uống hàng ngày đều cho công dụng tối ưu.
Mỗi bộ phận trên cây hoa lộc vừng đều cho công dụng chữa bệnh:
- Rễ: Vị đắng, bào chế thành các loại thảo dược trị sởi, giảm viêm, giải nhiệt, hạ sốt, trị ho.
- Quả: Trị hen suyễn và ho. Nước ép có thể bôi chữa chàm hay ngâm rượu trị nhức răng.
- Hạt: Trộn với dầu, bột trị tiêu chảy, đau bụng, các bệnh liên quan tới mắt.
- Vỏ: Chứa nhiều tanin, có thể sấy khô, sắc nước uống, giảm tình trạng đau bụng, tiêu chảy từng cơn, hạ sốt.
- Lá: Vị chua, vừa chế biến được thành món ăn vừa có tác dụng điều trị bệnh trĩ.
- Đối với y học hiện đại, từng bộ phận của cây thường được dùng để sản xuất chống loét dạ dày, kháng sinh cũng như giảm đau,…
Quà tặng giá trị
Với hình dáng đẹp mắt, cây lộc vừng có thể được sử dụng làm quà tặng mỗi dịp tân gia, khai trương, làm quà tết. Hoặc cũng có thể sử dụng trang trí cho văn phòng làm việc tại công ty cũng rất đẹp mắt.
Hình ảnh đẹp trong các bài thơ về hoa lộc vừng
Hình ảnh lộc vừng xuất hiện nhiều trong các bài thơ. Những hoa đỏ rực rỡ rơi trên lối đi khiến trái tim những người thi sĩ không khỏi bâng khuâng, xao xuyến viết nên những vần thơ hay về loài hoa làm say đắm lòng người:
“Lả lướt lộc vừng đón gió sương
Từng chùm hoa đỏ ngát thơm hương
Đua nhau nở rộ đêm thanh mát
Sáng sớm rụng rơi phủ kín đường.”
(Hoa lộc vừng – Trần Ngọc Bích)
“Nửa đêm sè sẹ mở cửa ra
Thoang thoảng hương thơm hoa lộc vừng
Đong đưa rụng xuống từng đốm lửa
Sưởi ấm lòng ai gọi chớm Xuân”
(Đêm lộc vừng – Trinhcamle)
>>> Xem thêm: Hoa Cúc Vàng ý nghĩa văn hóa đằng sau trong phong thủy
Cách thức trồng cây hoa lộc vừng
Lộc vừng là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Nếu như nắm chắc được kỹ thuật trồng, sẽ có được những cây trồng khỏe mạnh, cho hoa đẹp.
Hiện giống hoa có 5 loại cây khác nhau, có khả năng chịu ngập úng, chịu được hạn tốt. Bởi vậy, người trồng có thể căn cứ vào đặc điểm của từng loại cây để chọn được giống phù hợp với nhu cầu cũng như sở thích của bản thân.
Đối với giống hoa này có thể áp dụng đồng thời cả cách thức gieo hạt và giâm cành. Tuy nhiên, hạt thường có khả năng sinh trưởng kém. Hơn nữa, tỷ lệ trồng thành công thường không cao, thời gian chờ cây trưởng thành thường mất khoảng từ 3 – 5 năm. Vì thế, giải pháp trồng bằng giâm cành được ưu ái lựa chọn hơn.
Trồng bằng giâm cành
Cành của cây hoa lộc vừng có khả năng sinh trưởng tốt, người trồng có thể rút ngắn được thời gian cây trưởng thành từ 2 – 3 năm so với cách thức trồng bằng hạt. Kỹ thuật trồng cây hoa được thực hiện chi tiết như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ chiết cành gồm: Dao, đất, túi nilon, trấu, rễ bèo.
- Bước 2: Lấy dao khoanh vỏ tại cành gốc. Bó phần khoanh với bùn, trấu, rễ bèo. Tiếp đó, bọc lại với túi nilon để theo dõi sự phát triển của rễ cây.
- Bước 3: Khi rễ đã phát triển đủ thì tách và trồng cây ra ngoài vườn hay chậu. Nếu như trồng lộc vừng ngoài vườn thì đào hố độ sâu hợp lý để đặt cây vào. Nếu như trồng trong chậu thì chọn chậu có đáy sâu giúp rễ cây có thể phát triển.
- Bước 4: Tưới nước cho cây để có thể tiếp tục phát triển với bộ rễ mới. Với những cây đã chiết thì nên áp dụng các biện pháp giúp che chắn bảo vệ cành cây để tránh cho cây bị cháy nắng hay héo úa.
Lưu ý: Nên thực hiện chiết cành tháng 6 hoặc 7 thời tiết ấm áp. Quá trình trồng, chiết cành thường mất khoảng vài tháng. Vì thế, người trồng cần lên kế hoạch cũng như thời gian hợp lý để thực hiện.
Trồng bằng hạt
Mặc dù trồng cây bằng gieo hạt không mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn có thể được áp dụng.
- Bước 1: Chọn lấy các hạt già ươm trồng trong bầu.
- Bước 2: Chọn cát loại hạt to trộn cùng với đất mùn tốt với tỷ lệ 4:1. Hoặc người trồng cũng có thể cho tro trấu trộn cùng với xơ dừa với tỷ lệ 1:1.
- Bước 3: Lấy gạch quây từng ô đổ đất vừa pha trộn vào cắm hạt sâu khoảng 2 – 3cm.
- Bước 4: Tưới giữ ẩm liên tục để khả năng nảy mầm được cao hơn.
Cách cho lộc vừng ra hoa đúng tết
Nhiều người chơi cây lộc vừng làm cảnh thường muốn cây phát triển nhanh, mau chóng nở hoa vào những dịp quan trọng. Bởi vậy, việc thực hiện kích thích cây nở hoa vô cùng quan trọng. Một vài kinh nghiệm khi trồng giúp cho cây ra hoa đúng vào dịp Tết:
Cây lộc vừng thường nở hoa vào dịp tháng 3 – 5 và sau Tết. Tuy vậy, để cây nở hoa đúng vào dịp Xuân về thì ngay khi tháng 5 các bạn nên xả cho cây hồi phục tới tháng 9 âm lịch giúp cây hoa xanh tốt trở lại.
Khi cây phát triển tốt, cành lá xanh mướt thì ngưng tưới nước khoảng từ 7 – 10 ngày. Sau thời gian này thì cắt bỏ toàn bộ lá trên cây.
Sử dụng dung dịch kích thích ra hoa như NKO3 pha cùng với 8l nước sạch/120g dung dịch. Khoảng từ 7 – 10 ngày thì tiến hành phun một lần. Sau khoảng 3 tháng thì cây sẽ cho ra hoa theo đúng sở thích.
Để cây ra hoa đúng vào những ngày Tết các bạn nên dùng chất điều hòa sinh trưởng Chlormequat clorua, Cycole CCC 98% hòa cùng với nồng độ 50ppm (1g/20l – 1000ppm (20g/20l) phun trên toàn bộ tán cây để kích thích cây ra hoa mạnh mẽ hơn.
Hình thức trồng cây lộc vừng
Ở nước ta, hoa lộc mưng thường có 2 cách thức trồng phổ biến là:
- Cây bonsai trồng trong chậu: Đường kính thân thường rộng từ 15 – 40cm. Tán cây không quá lớn.
- Cây trồng trong không gian rộng: Cây thường phát triển mạnh mẽ, đường kính thân lớn thường khoảng từ 40cm trở lên, tán cây xum xuê, tỏa rộng.
Tùy theo hình thức trồng mà các bạn chuẩn bị vị trí trồng, cây giống sao cho phù hợp.
Cách chăm sóc cây lộc vừng mau ra hoa
Sau khi vừa trồng cây, các bạn cần thực hiện hoạt động chăm sóc cây theo đúng kỹ thuật để đảm bảo cây sinh trưởng tốt, ra rễ nhanh.
Đất trồng
Cây lộc mưng có khả năng sinh trưởng cũng như phát triển tốt trong mọi điều kiện đất trồng từ đồi núi tới đất phù sa tới đất ven rừng ngập mặn. Tuy vậy, hãy chủ động chọn đất có đủ dinh dưỡng để cây có thể phát triển, có độ tơi xốp cao, khả năng thoát nước tốt giúp tránh được tình trạng ngập úng. Tốt hơn hết hãy chọn loại đất mùn, pha cát hay phân chuồng ủ mục sẽ tốt nhất cho cây. Hoặc các bạn cũng có thể sử dụng hỗn hợp đất màu + trấu hun + xỉ than đã đập nhỏ + phân bón.
Tưới nước
Đặc thù rễ của cây khá nhạy cảm với đất ẩm. Nếu muốn bộ rễ mọc ở điểm nào thì thực hiện bó mùn, giữ ẩm sau khoảng 2 – 3 tháng sau rễ sẽ mọc ra.
Nhu cầu về nước tưới của cây hoa lộc vừng cũng không quá cao nên khi trồng cây người trồng cũng chú ý tưới với lượng nước tưới hợp lý. Tần suất tưới phù hợp trong khoảng 2 lần/ngày. Vào thời điểm sáng sớm khoảng từ 6h – 8h, chiều muộn từ 16h- 18h. Độ ẩm trong đất chỉ nên duy trì vừa đủ. Mùa hè nắng nóng thì nên tưới nhiều hơn. Mùa đông nên hạn chế tưới.
Khi tưới thực hiện đúng kỹ thuật chỉ tưới quanh gốc cây. Nếu tưới cả phần mặt trên của lá thì nên thực hiện tưới dạng phun sương và chỉ nên tưới vào buổi sáng. Nếu như tưới vào buổi tối, nước đọng lại trên lá có thể khiến cho tình trạng nấm hại xâm nhập gây hại cho cây rất lớn.
Ánh sáng
Cây lộc mưng vốn ưa ánh sáng. Bởi vậy, người trồng cần chọn vị trí đặt cây tại nơi có nhiều ánh sáng chiếu tới để cho cây phát triển một cách tốt hơn. Thời điểm cây còn non nên tránh ánh nắng trực tiếp gay gắt chiếu vào cây. Do khi cây còn khá yếu, ánh nắng chiếu vào khiến cây bị héo úa. Khi cây đã trưởng thành, có sức chống chịu tốt (ngay cả thời điểm giữa trưa ) mới đưa tới vị trí có nhiều ánh sáng.
Bón phân
Cây lộc mưng có sức sống khá tốt nên thường không quá phụ thuộc vào phân bón. Nếu như đất trồng đã có đủ dinh dưỡng thì không cần thiết phải bón thêm phân cho cây. Chỉ cần thực hiện bón phân vào các giai đoạn cây non đang bắt đầu phát triển và khi cây trưởng thành chuẩn bị ra hoa.
Sau khi trồng trong khoảng từ 3 – 5 tháng, có thể cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho cây bằng cách bón phân NPK ở xung quanh phần gốc. Trước thời điểm mùa hoa đến thì cần bổ sung thêm dưỡng chất cho cây trước tầm khoảng 2 – 3 tháng (phù hợp nhất là từ tháng 9 – 10 Âm lịch hàng năm).
Các bạn có thể tham khảo thêm tại Mua Bán Trồng Hoa Đà Lạt ❤️ để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây hoa từ những người trồng giàu kinh nghiệm. Qua đó, biết cách trồng cũng như chăm bón cho cây ra hoa đẹp.
Phòng sâu bệnh
Mặc dù vốn là cấy có sức sống mạnh mẽ nhưng cây lộc mưng vẫn có thể sẽ bị một số các loại sâu bệnh gây hại như: Đốm lá, héo lá, sâu đục thân, bọ cánh cứng.
Đốm lá
Phần lá cây xuất hiện các đốm màu nâu đậm hay màu đen. Ban đầu đốm nhỏ, lâu dần sẽ lan rộng ra cả lá. Khi phát triển tới giai đoạn nặng lá thường sẽ chuyển sang màu vàng hay bị cháy lá lan ra các lá khác, thậm chí là toàn cây. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên các lá già sau đó mới chuyển sang các lá non hơn.
Nếu không phát hiện kịp thời bệnh có thể khiến cho cây chậm phát triển, rụng lá, héo dần và chết. Không nên thực hiện bón phân cho cây quá nhiều bởi lượng phân bón dư thừa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Chú ý phun thuốc phòng trừ định kỳ cho cây.
Cách chữa trị tốt nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Anvil, Coc85 và dùng theo đúng hướng dẫn từ cửa hàng hay bao bì sản phẩm để sớm trị được đốm lá.
Héo lá
Nguyên nhân chính khiến cây lộc mưng héo lá là do người trồng không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng, khoáng chất cho cây. Hoặc cũng có thể do nhiệt độ từ môi trường quá cao, cây thoát hơi nhanh, không bù được lượng nước một cách kịp thời. Hoặc cũng có thể do tưới quá nhiều nước, đất ẩm nhiều ngày dễ bị úng nước, thối rễ, dẫn tới héo lá. Ngoài ra, cũng có thể do bón phân quá nhiều cũng không tốt, cây bị ngộ độc, tạo điều kiện môi trường cho nấm, ấu trùng, vi khuẩn sinh sôi.
Khi cây mắc bệnh thường sẽ héo úa dần và chuyển sang màu vàng, rụng lá. Nhẹ thì có thể bị trên một số lá. Nhưng nếu nặng hơn có thể lan ra toàn bộ cây. Để khắc phục các bạn cần xác định rõ nguyên nhân để điều chỉnh cách thức chăm sóc sao cho đúng cách, hiệu quả.
Sâu đục thân
Tình trạng này do sâu đục thân gây ra, sâu đục khoét bên trong của thân cây. Thân hay cành có xuất hiện các lỗ tròn, quanh lỗ có phân sâu màu đen hay mùn gỗ nâu trắng, rơi xuống đất nên dễ dàng nhận biết. Nếu cây mới bị thì có hiện tượng héo lá khi trời nắng gắt và tươi lại khi trời mát mẻ. Sâu đục thân có thể gây tình trạng hỏng thân cây. Lâu dài có thể làm chết cây.
Cách thức khắc phục đó là nên tỉa cành lá định kỳ, loại bỏ hết các cành mắc sâu bệnh. Dùng thuốc Bustidin quanh gốc, cành cây để phòng ngừa tình trạng sâu xâm nhập. Hoặc các bạn có thể dùng thuốc Regent 800WG, Vibasudin 50N,… Bini 58 40ND để khắc phục.
Bọ cánh cứng
Lá cây xuất hiện lỗ nhỏ, dần dần lan rộng ra toàn bộ các lá, trụi hết cây. Bệnh do bọ cánh cứng gây ra như: Cánh cam, bọ rùa hay bọ sừng,….Nếu để lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình cây đâm chồi, ra hoa. Để điều trị, người trồng cần phun thuốc Rengent, Antonik,…để phun vào buổi chiều.
Cách bố trí cây lộc mưng hợp phong thủy
Vẻ đẹp ấn tượng, độc đáo, giàu ý nghĩa phong thủy nên cây lộc mưng có rất được ưa chuộng làm quà tặng dịp tân gia, khai trương hay trang trí nội thất. Các bạn có thể đặt chậu hoa tại các vị trí lối vào, phòng làm việc hay phòng khách,… nhằm thu hút vượng khí, bình an cũng như tài lộc cho gia đình.
Ngoài ra, có một số những cây bonsai nhỏ có thể được dùng để trang trí phòng khách, phòng làm việc cũng rất thích hợp.
Do đặc thù là cây thân gỗ, tán rộng nên cây lộc mưng cũng là chọn lựa hoàn hảo để che nắng, trang trí sân vườn, cổng vào hay không gian công cộng như công viên, vỉa hè,…
Hoa lộc vừng là loài hoa tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thành công. Nhiều người yêu hoa lựa chọn trồng giống cây này trong vườn nhà để cầu mong cho một năm mới vạn sự như ý.
Câu hỏi về cây lộc mưng
Dưới đây là một số những câu hỏi liên quan tới cây lộc mưng được Hoàng Yến Group tổng hợp, các bạn có thể tham khảo để nắm bắt trước khi trồng:
Hoa lộc vừng nở vào mùa nào?
Cây lộc mưng có thể nở thành 2 đợt trong năm:
- Cuối Xuân, đầu Hạ: Khoảng từ tháng 4 tới tháng 6.
- Cuối Thu, đầu Đông: Khoảng từ tháng 9 tới tháng 11.
- Khi vào mùa, cây cho hoa nhiều và có hương thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.
Vì sao lộc vừng không ra hoa?
Do điều kiện dinh dưỡng kém mà cây trong chậu khó ra hoa. Các bạn nên thường xuyên bón phân hữu cơ hoai mục và DAP để cây có thể sinh trưởng tốt. Ngoài ra, nên chọn thời điểm kích thích ra hoa. Thời gian từ khi kích thích tới khi ra hoa là 3 tháng. Khi nhận thấy cây lộc mưng có bộ tán lá xanh tốt thì thực hiện các biện pháp xử lý kích thích ra hoa.
Hoa lộc vừng có mùi gì?
Lộc vừng có hương thơm thoang thoảng, không lẫn với bất cứ loài hoa nào, không nồng, không ngát chỉ thanh thanh vừa đủ.
Có nên trồng cây lộc mưng trước nhà không?
Với ý nghĩa phong thủy tốt lành, cây lộc vừng rất phù hợp để trồng trước nhà. Nhiều người cho rằng, trồng cây hoa này trước nhà có công dụng chiêu tài lộc, giúp gia chủ làm ăn thuận lợi, gia đình hòa thuận, thuận buồm xuôi gió.
Hơn nữa, loài hoa này có hương thơm thoang thoảng, tán lá rộng, có thể thanh lọc không khí, tiêu diệt được vi khuẩn, xua đuổi côn trùng gây hại. Ngoài ra, khi cây phát triển cao lớn có thể tỏa bóng mát sẽ giúp che chắn nắng và gió cho ngôi nhà của các bạn. Tuy nhiên, trong quá trình trồng gia chủ cần chú ý tới một số những điểm sau:
Không trồng chắn giữa ở lối đi
Trồng cây lộc vừng giữa lối đi theo quan niệm phong thủy sẽ cản trở luồng vượng khí lưu thông từ bên ngoài vào trong nhà. Từ đó, khiến tài lộc khó vào được trong nhà. Vị trí tốt nhất để trồng cây là bên trái hay bên phải trước nhà.
Không nên trồng cây hoa ở vị trí sát nhà hay sát tường
Khi trồng cây trong môi trường tự nhiên, cây lộc vừng thường sẽ phát triển mạnh mẽ, đường kính của thân cây lớn, tán xum xuê, rễ khỏe. Nếu lựa chọn trồng sát tường hay sát nhà có thể gây ra tình trạng nguy hiểm cho khu vực sinh sống nếu cây bị bật cành, bật gốc. Nếu trồng trong chậu, kích thước của cây nhỏ các bạn sẽ không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Vân Nguyễn 24/01/2024