Hoa

Trong vườn hoa của cuộc sống, những bông hoa rực rỡ không chỉ là điểm nhấn tươi sáng mà còn là nguồn cảm hứng vô tận. Thế giới hoa vẫn là một thế giới đa dạng, đầy màu sắc và huyền bí. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng Hoàng Yến Group khám phá tất tần tật những gì thú vị về hoa, từ cấu tạo chi tiết nhất đến cách trồng, chăm sóc, ý nghĩa của hoa và cả tác động của chúng đối với cuộc sống của chúng ta.
Tìm hiểu về hoa

Hoa, hay bông hoa, là một phần quan trọng trong chu trình sinh sản của thực vật có hoa. Về mặt cấu trúc, hoa được xem như một dạng cành đặc biệt, có thể thụ phấn chéo, kết hợp phấn hoa và nhụy từ các cây hoa khác nhau, hoặc tự thụ phấn (khi phấn hoa và nhụy xuất phát từ cùng một hoa). Qua quá trình này, hoa tạo ra quả và hạt, một phần quan trọng trong việc duy trì sự đa dạng sinh học.

Nhiều loại hoa đã tiến hóa để hấp dẫn động vật, nhờ đó chúng được sử dụng như công cụ giúp phân tán các hạt phấn. Sự phát triển của hoa không chỉ tập trung vào chức năng sinh sản mà còn bao gồm cấu trúc ngoại vi như cuống hoa, đài hoa/lá đài, cánh hoa, nhị và nhụy. Mỗi phần này đóng vai trò quan trọng trong việc hấp dẫn động vật thụ phấn và cũng tạo nên sự đa dạng về hình dáng và màu sắc của hoa.

Xem thêm: Tác dụng không ngờ của hoa Bưởi trong cuộc sống hàng ngày


Hoa là biểu tượng cho sự đẹp đẽ và đầy ắp giá trị ý nghĩa

Ngoài chức năng chứa cơ quan sinh sản ở thực vật có hoa, hoa còn được trồng và khai thác với nhiều mục đích khác nhau. Từ trang trí cho không gian sống đến sử dụng trong nghệ thuật. Một số loại hoa còn được sử dụng như thức ăn, dược liệu trong y học và làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác. Như vậy, hoa không chỉ là biểu tượng của sự đẹp đẽ và tinh tế mà còn có giá trị thực tiễn đối với con người trong cuộc sống hàng ngày.

Đặc điểm hình thái học 

Các đặc điểm hình thái học của hoa được chia thành 3 đặc điểm như sau:


Sự phân tính

Sự phân tính của hoa được phân biệt dựa trên sự hiện diện của các cơ quan sinh sản. Theo đó, hoa được phân loại thành hai nhóm chính: hoa lưỡng tính và hoa đơn tính.


Hoa lưỡng tính: Là hoa có sở hữu cả hai bộ phận sinh sản đực (nhị) và cái (nhụy) của hoa. Cây có mang hoa lưỡng tính được gọi là cây lưỡng tính. Ví dụ: hoa bưởi, hoa cam, hoa cải,…

Hoa đơn tính: Là loài chỉ mang theo một trong hai bộ phận trên. Trong đó, hoa đực chỉ có nhị, không có nhụy; hoa cái thì sẽ chỉ có nhụy mà không có nhị. Cây có mang hoa đơn tính sẽ được gọi là cây đơn tính. Nếu cây có thể mang cả hai loại hoa đực và hoa cái thì được gọi là cây đơn tính cùng gốc (bí, mướp,…). Ngược lại, nếu cây chỉ mang một loại hoa đực/hoa cái thì sẽ được gọi là cây đơn tính khác gốc (gai, chà là,…)


Cấu tạo cơ bản của 2 loại hoa lưỡng tính và hoa đơn tính

Đặc biệt hơn, loại cây có thể mang cả hoa lưỡng tính và cả hoa đơn tính (hoa đực, hoa cái) thì được gọi là cây đa tính. Một số cây đa tính thường gặp như: dưa bở, hướng dương,…

Sự sắp xếp các thành phần của hoa

Hoa thường có một trong 3 cách sắp xếp các thành phần như sau:


Xếp xoắn ốc: Đây là kiểu sơ khai nhất, thường gặp ở các loại hoa nguyên thủy. Các thành phần của hoa thường được quan sát thấy sẽ có sự chuyển tiếp dần dần từ lá hoa đến đài hay cánh hoa. Sự phân biệt của các thành phần ở cách sắp xếp này không được thể hiện rõ, cũng như số lượng của các thành phần trong mỗi bông hoa thường sẽ nhiều. Có thể tất cả các thành phần của hoa đều được xếp theo dạng xoắn ốc hoặc chỉ có đài hoặc chỉ có bộ nhị đực hay nhịu cái xếp xoắn ốc,… Một ví dụ của loại hoa xếp theo dạng xoắn ốc đó là hoa sen.


Hoa sen có kiểu sắp xếp các thành phần dạng xoắn ốc


Xếp xoắn vòng: Đây được coi là kiểu sắp xếp kết hợp. Trong đó, cánh hoa và lá đài sẽ được xếp theo dạng vòng. Còn nhị và nhụy của hoa sẽ được xếp theo dạng xoắn ốc. Một số loại hoa có dạng xếp xoắn vòng: Hoa mãng cầu, hoa ngọc lan,…

Xếp vòng (hay xếp thành luân sinh): đây được coi là dạng tiến hóa cao nhất của hoa. Trong trường hợp này, số lượng các thành phần của bông hoa cũng như số lượng các vòng thường là cố định trong các nhóm phân loại. Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều luôn đúng tuyệt đối.

Theo lẽ tự nhiên, các thành phần trong hoa được xếp theo dạng vòng như vậy thì sẽ có 1 vòng lá đài, tiếp theo là đến 1 – 2 vòng cánh hoa, đến 1 – 2 vòng tiểu nhị, trong cùng là 1 vòng nhụy (đôi khi sẽ nhiều hơn). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, số vòng của hoa sẽ bị tiêu giảm, thậm chí chỉ còn lại 1 vòng. Những cũng có khi số vòng lại tăng đột biến lên tới 15 – 16 vòng. Trong mỗi vòng, số lượng các thành phần cũng không giống nhau.

Xem thêm: Hoa Bìm Bìm – Khám Phá Ý Nghĩa Loài Hoa Bình Dị, Mộc Mạc


Các loại hoa

Dựa theo số lượng của các thành phần của hoa, hoa được chia thành 3 loại:


Hoa mẫu 3: Đây là các loại hoa có các thành phần của hoa là 3 hoặc là bội số của 3. Loại hoa này là đặc trưng cho hoa của các cây có 1 lá mầm.

Hoa mẫu 4: Đây là các loại hoa có các thành phần của hoa là 4 hoặc là bội số của 4. Loại hoa này là đặc trưng cho hoa của các cây có 2 lá mầm.

Hoa mẫu 5: Đây là các loại hoa có các thành phần của hoa là 5 hoặc là bội số của 5. Loại hoa này là đặc trưng cho hoa của các cây có 2 lá mầm.


Cấu tạo hoa

Đế hoa 

Đế hoa là phần đầu, ở tận cùng của cuống hoa, thường sẽ phình to ra để mang bao hoa và các bộ phận sinh sản.


Vị trí và hình dáng cơ bản của đế hoa (Phần màu xám đen, kí hiệu: r)

Đế hoa có nhiều hình dạng khác nhau như:


Dài, hình nón: Đây là dạng nguyên thủy, thường thấy ở một số loại hoa như: hoa Ngọc Lan ta, hoa Dạ Hợp,…

Ngắn, phẳng hoặc lõm thành hình chén: Trong suốt quá trình hình thành của thực vật, đế hoa dần có xu hướng thu ngắn lại và phẳng hoặc lõm dần đi. Đây là điển hình của một số loại hoa như hoa hồng, hoa kim anh,…

Có một trường hợp khác đó là đế hoa sẽ phát triển thành bộ phận riêng, mang nhụy, gọi là cột nhụy (ở hoa ngọc lan) hoặc mang cả 2 thành phần nhị và nhụy, gọi là cột nhị – nhụy (ở hoa dâm bụt)

Bên cạnh đó, đế hoa cũng có thể mang theo đĩa mật – khá dày và nạc. Đây là bộ phận được cấu tạo bởi các tuyến mật rời bên trong hoặc bên ngoài vòng nhị. Đĩa mật giúp cho hoa có thể được thụ phấn nhờ sâu bọ ở một số loài hoa.


Bao hoa 

Bao hoa gồm có hai phần là lá đài và cánh hoa.


Phần lớn các cây hạt kín có bao hoa kép (có hai vòng bao hoa): đài hoa và cánh hoa phân biệt, tách nhau. Đây cũng là đặc trưng cho hoa của các loại cây 2 lá mầm. Ví dụ: hoa đào,…

Bao hoa đơn (chỉ có một vòng): đài hoa và cánh hoa là một. Đây cũng là đặc trưng cho hoa của các loại cây 1 lá mầm. Ví dụ: hoa cau, hoa huệ,…

Hoa trần: hoàn toàn không tồn tại bao hoa. Ví dụ: hoa phi lao, hoa trầu không,…

Hoa vô cánh: bao hoa chỉ có duy nhất 1 vòng lá đài. Ví dụ: hoa giấy, antigon,…


Hoa giấy có là loài hoa vô cánh, chỉ có duy nhất 1 vòng lá đài

Lá đài/đài hoa

Đây là phần vòng ngoài cùng của bao hoa, nhiệm vụ chính là giúp bảo vệ các bộ phận của hoa khi ở trong trạng thái nụ.


Đài hoa gồm nhiều hình thái: có thể tách rời (gọi là đài phân) như hoa cải, hoa phượng,… hoặc có thể dính lại ở bên dưới tạo thành ống đài và thùy đài như hoa dâm bụt, hoa cẩm chướng,…

Khi hình thành quả, đài hoa sẽ còn tồn tại trên quả. Chúng có thể biến thành các chùm lông tơ để giúp quả phát tán hoặc sẽ phát triển thành các cánh.

Ở một số loài cây thuộc họ bông, còn có thêm đài phụ bên cạnh lá đài.


Đài hoa dâm bụt thuộc dạng dính chụm ở bên dưới

Cánh hoa

Cánh hoa là bộ phận nằm ở phía trong đài hoa, thường mang các màu sắc sặc sỡ và tỏa hương thơm để hấp dẫn các loài sâu bọ đến hỗ trợ cho sự thụ phấn. Cánh hoa có rất nhiều kiểu khác nhau như: hình ống, hình thìa, hình phễu, hình chuông,…


Minh họa một số dạng cánh hoa

Số lượng cánh hoa ở các dòng thực vật ở mức tiến hóa thấp thường lớn và không cố định. Còn ở các loài thực vật ở mức tiến hóa cao thì số lượng cánh hoa đã giảm xuống. Ở cây 2 lá mầm, số cánh hoa thường là 4 và 5 hoặc là bội số của 4 và 5. Ở cây 1 lá mầm, số cánh hoa thường là 3 hoặc là bội số của 3.

Cánh hoa thường có kích thước lớn hơn lá đài. Do đó, nó bao bọc lại nhị và nhụy, giúp bảo vệ nhị và nhụy khỏi các tác nhân xấu bên ngoài, cũng như hấp dẫn sâu bọ giúp cho sự truyền phấn được diễn ra thuận lợi hơn.

Nhị

Nhị là bộ phận thực hiện chức năng là cơ quan sinh sản đực của hoa.


Hình thái nhị

Một nhị hoa điển hình thường bao gồm 2 bộ phận chính đó là chỉ nhị và bao phấn.


Chỉ nhị: có hình dáng dài hoặc ngắn, rời hay hợp tùy vào từng loại hoa. Chỉ nhị là phần thường được gắn lên đế hoa, hoặc gắn trên cánh (thường gặp ở các loài hoa cánh hợp).

Bao phấn: Bao phấn có thể đính gốc hoặc đính lưng, có màu vàng và 2 mặt: mặt trước là bao phấn, mặt sau là chung đới – phần kéo dài của chỉ nhị, ngăn cách 2 nửa bao phấn. Bao phấn nào không chứa hạt phấn sẽ là nhị lép.


Cận cảnh nhị của một bông hoa

Cấu tạo bao phấn

Theo hình cắt ngang của bao phấn non, mỗi bao phấn sẽ được cấu tạo bởi chỉ 1 hoặc 2 nửa bao phấn. Mỗi nửa của bao phấn sẽ bao gồm 2 ô chứa hạt phấn. Khi chín thì 2 ô chứa hạt phấn này thông nhau. Cấu tạo từ ngoài vào trong của bao phấn bao gồm:


Biểu bì: có một lớp cutin mỏng, cấu tạo bởi nhiều khí khổng, càng gần đường khai bao phấn thì tế bào biểu bì càng lớn.

Tầng cơ: là một lớp tế bào có nhiều dãi nhỏ, bằng chất gỗ. Do đó, khi hoa nở thì tầng cơ sẽ co lại, bao phấn nứt ra.

Tầng nuôi dưỡng: tầng này được cấu tạo bởi các tế bào vô cùng nhiều dưỡng chất, là nguyên liệu để nuôi các hạt phấn.

Tế bào mẹ hạt phấn: tế bào mẹ sẽ được đạt ở ngay tâm của mỗi ô, từ đó sẽ giảm phân cho ra 4 hạt phấn.


Mô tả cấu tạo và mặt cắt của bao phấn

Cấu tạo hạt phấn

Hạt phấn được hình thành thông qua việc giảm phân từ các tế bào mẹ, hình cầu, màu vàng nhạt, kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 10 – 15 đến hàng trăm µm.

Cấu tạo của hạt phấn gồm:


Màng ngoài: dày, bằng cutin. Trên bề mặt có các lỗ nảy mầm nhỏ. Một số loài còn có gai nhỏ làm cho hạt phấn trở nên đặc biệt hơn so với các loài hoa khác.

Màng trong: mỏng hơn màng ngoài, bằng pectin. Màng trong thường dày lên ở trước các lỗ nảy mầm.

Trong hạt phấn gồm 2 tế bào. Trong đó, tế bào lớn hơn là tế bào dinh dưỡng, giúp hình thành nên ống phấn; tế bào nhỏ hơn chính là tế bào phát sinh, giúp sản sinh ra 2 tinh tử.


Nhụy

Nhụy sẽ là bộ phận thực hiện chức năng là cơ quan sinh sản cái của hoa.


Hình thái nhụy

Nhụy hoa nằm ở chính giữa do một hoặc nhiều lá noãn hay còn gọi là tâm bì cuộn lại tạo thành.


Nhụy hoa của hoa nghệ tây là phần màu đỏ

Cấu tạo nhụy

Nhụy hoa được cấu tạo bởi 3 phần:


Đầu nhụy: là phần ở tận cùng của nhụy, hơi loe rộng hoặc có hình dĩa, là nơi tiếp nhận các hạt phấn.

Vòi nhụy: là phần hẹp hình ống hoặc hình chỉ ở phía trên nhụy, là đường đi vào của hạt phấn.

Bầu nhụy: là phần phình to ở dưới, bên trong chứa noãn.


Số lượng lá noãn

Số lượng lá noãn sẽ thay đổi tùy vào từng loài hoa khác nhau. Ở các loài hoa ít tiền hóa như hoa sứ, hoa mãng cầu,… số lượng lá noãn thường sẽ nhiều hơn và được xếp theo dạng xoắn ốc. Ngược lại, ở các loài đã trải qua quá trình tiến hóa thì số lá noãn sẽ được giảm dần chỉ còn lại 5, 4, 3 thậm chí là chỉ còn 1 lá như ở hoa đậu.


Số ô của bầu

Khoang bầu có thể được cấu tạo theo dạng 1 ô duy nhất hoặc nhiều ô.


Nếu vách bầu có xuất hiện những phần đi sâu vào bên trong thì khoang bầu sẽ được chia thành nhiều ô. Những phần vách đó sau này sẽ là những vách ngăn giữa các lá noãn. Do đó, số ô của bầu thường sẽ tương ứng với số lá noãn của hoa.

Nếu vách bầu không xuất hiện những phần ăn sâu vào trong thì bầu chỉ có một ô.

Nếu vách ngăn giữa các lá noãn bị tiêu biến, nhưng ở giữa bầu vẫn tồn tại một trụ được tạo thành do các mép lá noãn mang giá noãn tạo thành thì bầu chỉ có 1 ô.

Nếu bộ nhụy của hoa chỉ có 1 lá noãn thì bầu cũng chỉ có 1 ô.


Vị trí của bầu


Bầu trên: đây là vị trí bầu ít tiến hóa nhất, bầu nằm trên đế hoa, không gắn liền với các bộ phận khác của bông hoa.

Bầu dưới: bầu sẽ nằm chìm bên trong đế hoa, gắn liền với đế hoa và các bộ phận khác của hoa cũng nằm trên đế. Đây là dạng tiến hóa hơn vì noãn bên trong sẽ được bảo vệ kỹ càng hơn.

Bầu giữa: là kiểu trung gian giữa hai vị trí trên. Bầu sẽ chỉ gắn liền với đế hoa ở bên dưới, còn phần bên trên vẫn tự do


Hình minh họa 3 vị trí của bầu

Cấu tạo của noãn

Noãn là một khối đa bào, có dạng hình trứng, hình cầu hoặc hình thận. Mỗi noãn sẽ bao gồm 2 phần:


Cuống noãn: đây là vị trí để đính noãn vào giá noãn. Bên trong cuống noãn chứa các bó mạch, tận cùng của bó mạch chính là hợp điểm, là nơi bó mạch được chia thành 2 nhánh và đi vào 2 bên noãn.

Thân noãn: chỉ là một khối tế bào nhỏ, còn được gọi là phôi tâm (chứa túi phôi, gồm 8 hoặc 7 tế bào), được bao bọc bởi lớp vỏ noãn bên ngoài. Vỏ noãn thường sẽ có một lỗ hở nhỏ trên đỉnh, được gọi là lỗ noãn.


Các kiểu noãn

Dựa trên các vị trí tương đối của thân noãn và cán noãn, noãn được chia thành các kiểu:


Noãn thẳng: lỗ noãn sẽ ở vị trí ngay đối diện với cán noãn.

Noãn cong: khi này, lỗ noãn sẽ ở vị trí gần hơn với cuống noãn và trục của cuốn hoãn và thân noãn tạo thành một góc vuông thì đây chính là noãn cong

Noãn đảo: lỗ noãn sẽ nằm sát xuống tận cuống noãn.


Cách đính noãn

Noãn sẽ được gắn vào bầu theo đường giá noãn để dễ dàng hơn trong việc hấp thụ thức ăn. Có 3 kiểu đính noãn chính bao gồm:


Đính noãn trung trụ: lá noãn sẽ hợp thành nhiều ô và noãn sẽ được đính ở gốc ô.

Đính noãn bên/noãn mép: 1 hoặc nhiều lá noãn sẽ hợp thành 1 ô duy nhất và noãn sẽ được đính ở mép ô.

Đính noãn giữa: bầu chỉ có duy nhất 1 ô, giữa bầu có một trục, trục đó sẽ mang noãn.


Một số vị trí đính noãn chính thường gặp

Ngoài ra còn có rất nhiều kiểu mang noãn khác nhau như:


Đính noãn rải rác: noãn sẽ được đính rải rác khắp mặt trong của phôi tâm.

Đính noãn trung trụ bên: bầu vẫn được chia thành nhiều ô nhưng các đường giá noãn sẽ không tụ hợp thành một trục ở chính giữa bầu mà sau khi gặp được nhau chúng sẽ quay ngược trở ra, tới vách bầu chúng sẽ dừng lại và noãn sẽ được đính ở chính đó.

Đính noãn gốc: noãn sẽ được đính ở đáy của bầu.

Đính noãn treo/nóc: noãn sẽ được đính ở đỉnh của bầu.


Túi phôi

Túi phôi nằm bên trong phôi tâm, bao gồm 1 nhân lưỡng bội ở giữa, 1 noãn đơn bội cầu và 2 nhân trợ bào ở hai bên nằm ở cột cực, 2 nhân đối cực sẽ nằm ở bên đối diện.

Các tế bào của phôi tâm sẽ mang tính chất của một mô phân sinh. Tuy nhiên, khả năng tạo thành bào tử sẽ chỉ được đảm nhiệm bởi tế bào mẹ bào tử. Sau quá trình giảm phân một lần sau đó nguyên phân liên tiếp 3 lần, từ chỉ 1 tế bào ban đầu, ta đã có tới 8 tế bào con. Sau này, chúng sẽ phát triển và hình thành túi phôi, là nơi để hình thành và phát triển phôi.


Tuyến mật

Tuyến mật khá đa dạng, nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên hoa như lá đài, gốc nhụy, chỉ nhị hay cánh hoa và thậm chí là cả nhị lép. Số lượng, hình dạng cũng như vị trí của tuyến mật mang các đặc tính di truyền nên chúng có thể được dùng trong việc phân loại.

Túi mật được mang trong mình nhiệm vụ quan trọng đó chính là tiết ra mật ngọt, giúp quyến rũ các loài côn trùng đến để hỗ trợ cho sự thụ phấn của cây.


Hoa tự

Hoa tự là thứ tự sắp xếp của hoa trên cành. Hoa có thể nằm ở 2 vị trí chính là hoa ở tận cùng và hoa nằm ở nách. Các vị trí khác đều là những kiểu hoa tự phát sinh từ sự thay đổi của kiểu hoa nằm ở nách. Phân biệt 3 kiểu hoa tự:


Hoa tự đơn

Đây là kiểu hoa tự mà trên cành chỉ có duy nhất một bông hoa. Điển hình của hoa tự này có thể kể đến là hoa sen, hoa súng,…


Hoa tự có hạn

Trục chính của cành hoa sẽ kết thúc bởi 1 hoa, thứ tự nở hoa sẽ là nở từ trên xuống hoặc nở từ trong ra. Hoa tận cùng sẽ là hoa nở trước. Hoa tự có hạn gồm các kiểu sau:


Xim 1 ngả: đầu trục chính sẽ có 1 bông hoa đầu tiên. Sau đó từ 1 mấu ở bên dưới hoa đó sẽ tiếp tục mọc lên 1 nhánh bên mang 1 hoa và cứ thế tiếp tục.

Xim 2 ngả: hoa đầu tiên mọc ở trục chính, rồi từ 1 mấu ở dưới hoa đó sẽ phát triển ra 2 nhánh bên, mỗi nhánh mang thêm 1 hoa và cứ thế tiếp tục.

Xim nhiều ngả: đầu trục chính sẽ có 1 bông hoa đầu tiên, từ trục đó cho ra nhiều nhánh hoa phụ khác.


Hình minh họa và ví dụ hoa có hoa tự có hạn

Hoa tự vô hạn

Hoa tự vô hạn là kiểu hoa tự đơn phân, trục chính sẽ sinh trưởng đến vô hạn. Thứ tự hoa nở sẽ là từ dưới lên trên hoặc từ ngoài vào trong, hoa ở tận cùng hoặc hoa ở giữa sẽ nở cuối cùng. Hoa tự vô hạn gồm các kiểu sau:


Chùm: Mỗi hoa có 1 cuống riêng. VD: hoa nho, hoa họ đậu,…

Bông: Các bông hoa sẽ không có cuống, đính trực tiếp vào cành. VD: hoa huệ, bông lúa,…

Bông mo

Bông nặc

Ngù: cấu tạo tương tự kiểu chùm nhưng các bông hoa bên dưới sẽ có cuống dài hơn các bông ở trên, làm cho các bông hoa có thể tạo thành 1 mặt phẳng ngang. Có thể là ngù đơn hoặc ngù kép. VD: hoa phượng, hoa súp lơ,…

Tán: các hoa ở trên cùng 1 mặt phẳng ngang, khác với ngù ở chỗ là tất cả các cuống đều tập trung ở đầu cành và các lá bắc sẽ tụ lại thành tổng bao. Có 2 loại là tán đơn và tán kép. VD: hoa đinh lăng, hoa mùi,…

Đầu: trục hoa lồi to, hoa không cuống sẽ được gắn trực tiếp lên đầu. VD: hoa xấu hổ,…

Rỗ: trục hoa lõm vào, mang hoa không có cuống. VD: hoa ngải cứu, hoa hướng dương,…


Hình minh họa và ví dụ hoa có hoa tự vô hạn

Hoa thức

Hoa thức chính là công thức được dùng để biểu diễn ngắn gọn về cấu tạo của một loại hoa. Cụ thể như sau:


Hoa lưỡng tính: ☿ hoặc ⚥

Hoa đơn tính: ♂ (đối với hoa đực) và ♀ (đối với hoa cái)

Hoa đều (hoa đối xứng qua 1 trục): *

Hoa không đều (hoa đối xứng qua 1 mặt phẳng): ↑

Hoa bao đơn: P

Hoa bao kép: Trong hoa bao kép, các thành phần được ký hiệu như sau: Lá đài: K, Lá đài phụ: k, Cánh hoa: C

Nhị: A

Nhụy: G

Nếu số lượng các thành phần của hoa < 10 thì ghi số; nếu số lượng >10 thì ghi ∞

Số bộ phận của hoa rời cũng được ghi bằng số

Số bộ phận của hoa hợp sẽ được ghi bằng cách đóng mở ngoặc đơn con số đó

Bội số: sử dụng dấu (+) (Ví dụ: 5+5)

Số lượng biến thiên: ký hiệu bằng dấu (-) (Ví dụ: 5-9)

Hoa có bầu trên sẽ được gạch dưới; còn hoa bầu dưới sẽ được gạch trên; hoa bầu trung thì sẽ gạch ngang số lá noãn

Bộ phần nào không có: ký hiệu bằng số 0


Màu sắc của hoa

Màu sắc chính là một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hoa, có thể đóng vai trò trong sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Màu sắc của hoa nói chung cũng đóng một vai trò quan trọng trong ngành thực vật học, giúp thu hút côn trùng và các loài động vật khác đến thụ phấn. Bên cạnh đó, nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý của con người, gợi nhớ nhung hay mang đến cảm giác hạnh phúc, vui tươi và thoải mái.


Các màu sắc hoa khác nhau còn mang các ý nghĩa khác nhau

Màu sắc của hoa được hình thành bởi sự hòa trộn của các chất hóa học bên trong, bao gồm pigment và flavonoid. Màu sắc của hoa được tạo ra bởi các hợp chất tạo màu như anthocyanin, betalain, carotenoid.

Màu sắc của mỗi bông hoa được định hình nhờ kết quả của quá trình hoa hấp thụ và phản xạ ánh sáng. Các màu sắc khác nhau sẽ phụ thuộc vào hoạt chất tạo màu và mức độ sáng khác nhau. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường khác như pH của đất, dinh dưỡng, độ ẩm, nhiệt độ,... cũng ảnh hưởng không hề nhỏ đến màu sắc của hoa.

Sự thụ phấn và thụ tinh của hoa

Sự thụ phấn

Sự thụ phấn của hoa có thể được thực hiện theo 2 cách:


Tự thụ phấn (hay còn gọi là thụ phấn trực tiếp)

Thụ phấn chéo (hay còn gọi là giao phấn/thụ phấn gián tiếp)


Tự thụ phấn

Đây là hình thức thụ phấn xảy ra khi hạt phấn của hoa sẽ tự rơi từ nhị xuống nhụy của cùng một hoa. Tuy nhiên, hình thức tự thụ này chỉ có thể xảy ra ở những loài hoa có đặc điểm:


Là hoa lưỡng tính

Nhị và nhụy của hoa phải chín cùng một thời điểm

Bao phấn phải nằm ít nhất là ngang tầm hoặc cao hơn nuốm nhụy

Hình thức thụ phấn này có cơ chế đơn giản và có thể được thực hiện ở mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, các loài hoa thụ phấn bằng hình thức này sẽ có đặc điểm di truyền đơn điệu và dần dần sẽ xuất hiện xu hướng thoái hóa.


Thụ phấn chéo

Đây là hình thức thụ phấn xảy ra khi hạt phấn của hoa này sẽ rơi lên nuốm nhụy của bông hoa khác có thể trên cùng một cây hoặc khác cây. Sự thụ phấn chéo là bắt buộc đối với cả hoa đơn tính và hoa lưỡng tính có nhị và nhụy không chín đồng thời.

Ưu điểm của cách thụ phấn này là có thể đảm bảo sự phát triển của các thế hệ con cháu với sức sống cao hơn và kết hợp các đặc tính tốt của bố mẹ, giúp chúng dễ dàng thích nghi với các môi trường sống khác nhau hơn. Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc và điều kiện môi trường bên ngoài, bao gồm cả vai trò quan trọng của các tác nhân truyền phấn.


Hình thức thụ phấn chéo có thể được thực hiện nhờ các loài côn trùng

Một số tác nhân truyền phấn thường gặp:


Thụ phấn nhờ gió

Thụ phấn nhờ các loại côn trùng

Thụ phấn nhờ động vật

Thụ phấn nhờ nước


Sự thụ tinh

Sự thụ tinh của hoa sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là hạt phấn nảy mầm và sau đó sẽ đến giai đoạn thụ tinh.


Hạt phấn nảy mầm

Hạt phấn khi rơi lên nuốm nhụy có thể nảy mầm ngay lập tức hoặc nghỉ ngơi trong một thời gian (tùy thuộc vào từng loài mà thời gian này sẽ ngắn hoặc dài). Lúc này, hạt phấn sẽ hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết như đường,… và kích thích sự phát triển của tế bào.

Một khi có 1 hạt nảy mầm, hạt phấn sẽ tạo ra một ống phấn từ lỗ nảy mầm, trong đó toàn bộ tế bào chất cũng như nhân của tế bào ống (hạt phấn) sẽ được đẩy vào bên trong phần ống phấn. Các tế bào sinh dục sẽ chia nhân là 2 tinh tử và tiến vào phía sau.

Ống phấn sẽ di chuyển qua vòi nhụy dựa trên hệ thống mô dẫn đường để tiếp tục đi vào bầu nhụy và cuối cùng là vào noãn. Ống phấn có thể đi vào noãn theo một trong hai cách: thông qua hợp điểm hoặc qua lỗ noãn, tùy thuộc vào hình dạng của noãn. Còn ống phấn có thể đi vào túi phôi bằng một trong các cách sau:


Bằng cách vách túi phôi và trợ cầu

Bằng cách đi xuyên qua trợ cầu

Bằng cách vách trợ cầu và noãn cầu

Khi nhập vào được túi phôi, đầu của ống phấn sẽ được mở ra, nhân của các tế bào ống sẽ biến mất và 2 tinh tử sẽ được giải phóng vào túi phôi. Quá trình này chính thức đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn nảy mầm của hạt phấn.


Sự thụ tinh

Khi thụ tinh, 1 tinh tử (n) kết hợp với 1 noãn cầu (n) để tạo thành 1 hợp tử (2n). 1 tinh tử (n) kết hợp với 2 nhân phụ hoặc nhân thứ cấp (2n) để tạo thành 1 tế bào mẹ nội nhũ (3n). Hiện tượng mà 2 tinh tử được thụ tinh như vậy được gọi là sự thụ tinh kép (chỉ xuất hiện ở ngành thực vật hạt kín).


Quá trình hạt phấn nảy mầm và sự thụ tinh kép

Thực vật hạt trần không có giai đoạn 1 tinh tử (n) kết hợp với 2 nhân phụ hoặc nhân thứ cấp (2n) để tạo thành 1 tế bào mẹ nội nhũ (3n) nên quá trình này được gọi là sự thụ tinh đơn.

Sau khi quy trình thụ tinh kép hoàn thành, trong túi phôi chỉ còn lại 2 tế bào, bao gồm hợp tử và tế bào mẹ nội nhũ; 2 trợ cầu và 3 đối cầu sẽ biến mất.


Ý nghĩa của hoa

Hoa không chỉ đơn thuần là một phần của cảnh quan tự nhiên, mà còn là một biểu tượng của vẻ đẹp tinh tế và sức sống mãnh liệt của cuộc sống. Mỗi loài hoa mang trong mình một câu chuyện riêng, một ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của con người và của cả tự nhiên.


Vẻ đẹp thẩm mỹ

Hoa là biểu tượng vốn có của sự tinh khiết và vẻ đẹp nói chung. Sự đa dạng trong màu sắc, hình dáng và hương thơm của các loại hoa tạo nên một cảnh quan, một hình tượng hấp dẫn và độc đáo.

Hoa không chỉ là cho không gian xung quanh trở nên rực rỡ hơn mà còn mang lại cảm giác thư thái, hạnh phúc ngập tràn cho người thưởng thức.


Biểu tượng của tình yêu và tình cảm

Hoa là ngôn ngữ của tình yêu, của sự lãng mạn và tâm hồn bay bổng. Do đó, hoa thường là thứ được sử dụng để biểu đạt tình cảm, như một lời thổ lộ chân thành nhất.

Những bông hoa hồng đỏ rực rỡ đại diện cho tình yêu cháy bỏng, trong khi hoa lan tinh tế lại là biểu tượng của sự cao quý và lịch lãm. Việc tặng hoa không đơn giản là một món quà vật chất mà còn để thể hiện sự chăm sóc, quan tâm và chân trọng.


Thư giãn và giảm căng thẳng

Nhưng hoa còn nhiều hơn thế. Chúng là biểu tượng của sự yên bình và hòa bình. Việc thưởng ngoạn hoặc chăm sóc hoa được coi là liệu pháp làm dịu đi những căng thẳng và lo lắng trong cuộc sống hàng ngày hiệu quả.


Ngắm hoa là liệu pháp giải tỏa căng thẳng hữu hiệu

Việc tận hưởng và đắm chìm trong vẻ đẹp của hoa tạo ra một cảm giác bình yên và hạnh phúc. Cảm giác khoan khoái khi được ngắm nhìn một khu vườn hoa nở rộ không thể nào diễn tả được bằng lời.

Ý nghĩa sinh thái

Cuối cùng, hoa còn là kết nối giữa con người và thiên nhiên. Chúng thu hút côn trùng và các loài động vật khác thông qua quá trình thụ phấn và phát triển giúp duy trì sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.

Mỗi loài hoa là một phần nhỏ bé nhưng quan trọng của một hệ sinh thái lớn hơn, góp phần vào sự đa dạng và sự phong phú của cuộc sống trên cả hành tinh.


Công dụng của hoa

Sự phong phú và tinh tế của hoa được thể hiện trong các công dụng phổ biến nhất của hoa như:


Làm đẹp và trang trí

Nhìn những bông hoa rực rỡ nở rộ, ta không thể không bị cuốn hút bởi vẻ đẹp tuyệt vời mà chúng mang lại. Do đó, từ xa xưa, hoa đã thường được sử dụng làm vật trang trí cho tóc những người phụ nữ ở Ai Cập.

Ngày nay, những bó hoa được sử dụng nhiều hơn trong việc trang trí bên cạnh làm đẹp. Từ những bông hoa tươi thắm trên bàn tiệc, hoa tươi trang trí trong các dịp lễ quan trọng cho đến những khu vườn rực rỡ tự nhiên, hoa luôn là điểm nhấn tuyệt vời cho mọi không gian, tạo nên một không gian thư giãn và đẹp mắt.


Hoa được sử dụng trang trí các dịp lễ trọng đại

Công dụng trong y học và liệu pháp chữa lành

Hoa không chỉ làm đẹp cho mắt mà còn làm dịu cho tâm hồn và cơ thể. Nhiều loại hoa được sử dụng trong y học truyền thống và hiện đại để làm thuốc. Còn vẻ đẹp vốn có của hoa là một liệu pháp hữu hiệu trong việc điều trị căng thẳng, lo âu và giảm căng thẳng. Hương thơm dịu dàng của hoa cũng có thể làm cho chúng ta cảm thấy thư giãn và yên bình.


Làm thực phẩm

Ngoài vẻ đẹp tuyệt vời, nhiều loại hoa cũng có giá trị dinh dưỡng và hương vị đặc biệt. Do đó, chúng cũng được sử dụng làm thành phần trong các món ăn và đồ uống, từ món salad trái cây tươi ngon đến trà hoa vàng hương thơm. Một số loại còn được sử dụng làm gia vị. Hay một cách cũng để tận dụng vẻ đẹp của các loài hoa trong các món ăn đó là dùng để trang trí cho thêm phần hấp dẫn.


Du lịch và văn hóa

Cuối cùng, hoa là nguồn cảm hứng không ngừng cho ngành du lịch và văn hóa. Từ các khu vườn hoa tuyệt đẹp cho đến các lễ hội hoa rực rỡ, hoa luôn là điểm nhấn không thể thiếu trong mọi trải nghiệm du lịch và văn hóa. Chúng tạo ra không gian lãng mạn và lôi cuốn, gợi lên những cảm xúc tinh tế và sẽ là kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng mỗi người.


Hoa còn là nguồn cảm hứng du lịch cho nhiều du khách

Lưu ý trồng và chăm sóc hoa

Trồng hoa không chỉ là một hoạt động thú vị mà còn mang lại nhiều lợi ích tinh thần và thẩm mỹ. Dưới đây là một số lưu ý bạn có thể cân nhắc áp dụng để việc chăm sóc hoa trở nên nhẹ nhàng hơn.


Khi trồng hoa


Chọn vị trí: Đầu tiên bạn cần chọn vị trí trồng phù hợp. Bạn có thể trồng ngoài vườn hoặc trồng trong các chậu tùy sở thích và điều kiện của bản thân. Nếu sử dụng chậu bạn cần lưu ý đến kích thước sao cho phù hợp với loại cây mà bạn dự định trồng và đảm bảo chậu có lỗ thoát nước để tránh việc rễ cây bị úng nước. Mỗi loại chậu có những ưu điểm và nhược điểm riêng do đó hãy cân nhắc chọn loại chậu phù hợp với nhu cầu và điều kiện của cây trồng nhé!

Chọn đất: Đất chất lượng tốt sẽ giúp cây phát triển mạnh mẽ và khỏe mạnh hơn. Đối với cây trồng trong chậu, bạn nên sử dụng đất hữu cơ đã được xử lý và pha trộn với các thành phần như xơ dừa, than bùn, tro trấu để tạo ra môi trường sinh sống lý tưởng cho cây. Nếu trồng trong sân vườn, bạn nên làm đất thật cẩn thận để loại bỏ được các côn trùng, vi khuẩn gây hại cho cây có trong đất.

Chọn hoa: Sau khi đã có đất, bạn có thể chọn loại hoa phù hợp với điều kiện sống và loại đất của mình. Đừng chọn loại hoa cần ánh sáng mặt trời nhiều nếu không có đủ ánh nắng vào nhà. Bạn có thể tham khảo ý kiến từ bạn bè, người thân hoặc tìm hiểu thông tin trên internet để chọn loại cây phù hợp.

Trồng hoa: Tuân thủ khoảng cách an toàn giữa các cây để đảm bảo cây có đủ không gian và đất cần thiết để phát triển. Khi đã chuẩn bị xong đất, hãy tiến hành trồng cây và nhớ tưới nước sau khi trồng để đất được ẩm đều.


Không được bỏ qua các lưu ý khi trồng và chăm sóc hoa

Khi chăm hoa

Sau khi trồng hoa, việc chăm sóc cây cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số mẹo và kỹ thuật chăm sóc hoa trong chậu để giữ cho cây của bạn luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.


Tưới nước đúng cách


Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của đất để đảm bảo không quá khô hoặc quá ẩm.

Hãy tưới nước vào buổi sáng hoặc vào buổi tối để tránh việc nước bốc hơi nhanh chóng trong thời tiết nóng.

Tránh tưới nước trực tiếp lên lá và hoa, vì điều này có thể làm tăng nguy cơ nấm mốc và bệnh tật trên cây.


Bón phân định kỳ


Sử dụng phân bón phù hợp cho loại cây bạn đang trồng và tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Bón phân định kỳ theo chu kỳ mà cây yêu cầu, thường là mỗi 2-4 tuần một lần, tùy thuộc vào loại cây và điều kiện môi trường.


Cắt tỉa cây


Thường xuyên cắt tỉa những lá và cành cũ, già hoặc hỏng để giữ cho cây luôn sạch đẹp và khỏe mạnh.

Loại bỏ những bông hoa tàn và lá úa sẽ khuyến khích cây phát triển hoa mới và làm cho chậu hoa trông gọn gàng hơn.


Đặt cây ở vị trí phù hợp


Chọn vị trí có ánh sáng phù hợp cho loại cây bạn trồng. Nếu cây cần ánh sáng mặt trời mạnh, hãy đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng, còn nếu cây thích bóng râm, hãy đặt chậu ở nơi có bóng mát.

Tránh đặt chậu gần các nguồn nhiệt như lò nướng, bếp ga, hay nơi thường xuyên có gió lạnh.


Kiểm tra và xử lý vấn đề sớm


Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh tật hoặc sâu bọ.

Nếu phát hiện có vấn đề, hãy xử lý ngay lập tức bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu hoặc phương pháp hữu cơ để ngăn chặn sự lây lan của bệnh và bảo vệ sức khỏe của cây.

Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về cách thức chăm cũng như chọn giống chất lượng trồng trang trí trong nhà các bạn cần tham khảo thêm một số các


Cây hoa đẹp dễ trồng, dễ chăm

Những bông hoa không chỉ giúp làm đẹp cảnh quan ngôi nhà mà còn tạo không gian tươi mát, dễ chịu và thoải mái cho người trồng. Dưới đây là một số loại hoa đẹp, dễ trồng, đặc biệt là dễ chăm, phù hợp với những người thường xuyên bận rộn:


Hoa dạ yến thảo

Dạ yến thảo là một trong những loại hoa phù hợp với nhiều môi trường như văn phòng, công sở hoặc trường học,… Không chỉ có sự đa dạng về màu sắc, mà dạ yến thảo còn mang lại vẻ đẹp tinh tế và phong phú về hình dáng và kích thước.


Hoa dạ yến thảo dễ chăm, phù hợp với nhiều môi trường

Điều đặc biệt là bạn có trồng dạ yến thảo trong những chậu nhỏ hoặc chậu trao. Để giữ cho hoa dạ yến thảo luôn sống tươi tốt, bạn chỉ cần tưới nước cho chúng khoảng 2 – 3 lần mỗi tuần.

Hoa giấy

Hoa giấy vô cùng dễ trồng, do đó có thể được tìm thấy ở trong vườn hoặc ngay cả trước cổng nhà. Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng chúng trên ban công vì hoa giấy rất ưa sáng. Chỉ cần bón phân và tưới nước đều đặn, bạn có thể đảm bảo rằng chúng sẽ sống lâu và nở hoa rực rỡ.


Hoa tigon

Hoa tigon, còn được biết đến với cái tên hoa thiếu nữ, có hai màu chủ yếu là trắng và hồng. Đây là loại cây leo phổ biến, rất dễ trồng và dễ chăm do cũng rất ưa sáng, do đó bạn hoàn toàn trồng ngoài hiên, trên ban công nắng hoặc dọc theo các bờ tường.


Hoa tigon ưa nắng, thích hợp trồng ngoài trời

Hoa mười giờ

Vẻ quyến rũ của hoa và sắc đẹp của hoa mười giờ có thể thu hút mọi ánh nhìn. Thường được trồng trong chậu cây hoặc sân vườn, hoa thường bắt đầu nở vào khoảng 10 giờ sáng và tàn vào buổi chiều tối. Hoa có thể nở quanh năm.

Bạn chỉ cần lấy một cành hoa, cắm xuống đất, tưới nước hàng ngày là hoa mười giờ đã có thể nhanh chóng ra rễ và tiếp tục phát triển cũng như lan rộng nhanh chóng. Đây có thể là loại hoa dễ trồng nhất tuy nhiên vẻ đẹp của nó lại không thể xem thường.


Cúc bách nhật

Cúc Bách Nhật là loại cây dễ sống, không yêu cầu đặc biệt về đất và không cần nhiều phân bón. Đặc điểm đặc biệt của cây là chúng có thể sống trong đất khô, nhưng cần phải được tiếp xúc với ánh nắng đủ. Chúng có thể phát triển tốt ngay cả khi được trồng trong những khe gạch hoặc ở gần các bức tường. Chỉ cần không tưới cho cây quá nhiều nước là cây đã có thể thoải mái phát triển.


Cúc bách nhật dễ sống, phù hợp với người bận rộn

Câu hỏi thường gặp về hoa

Cùng giải đáp một số câu hỏi thường gặp về hoa và việc chăm sóc hoa nhé!


Hoa cần nước bao nhiêu lần mỗi tuần?

Mỗi loại cây phù hợp với điều kiện tưới nước khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung các loại hoa đều cần được tưới nước ít nhất một lần trong tuần. Để chính xác hơn, bạn nên tìm hiểu thêm về cách chăm sóc từng loại cây mà mình đang sở hữu để biết tần suất tưới nước phù hợp nhất với từng loại cây.


Làm thế nào để biết khi nào cần bón phân cho hoa?

Một số dấu hiệu cho thấy cây đang cần bón phân điển hình như: lá nhạt màu, hoa nở không đều hay thậm chí là không ra hoa, lá có đốm,… Đừng quên quan sát, dựa vào các dấu hiệu, biểu hiện của cây để lựa chọn loại phân bón cần thiết và phù hợp với cây của mình. Bên cạnh đó, bón phân với liều lượng vừa đủ để không ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của cây.


Làm thế nào để chăm sóc hoa khi đi nghỉ xa?

Đây là câu hỏi phổ biến với những người có lịch trình bận rộn nhưng vẫn muốn chăm sóc và ngắm nhìn những bông hoa do mình tự tay trồng. Nếu bạn phải đi xa và không có ai để chăm sóc hoa của mình, bạn có thể cân nhắc việc lắp đặt hệ thống tưới tự động để cây không bị thiếu nước.

Tiếp đến, đặt chậu hoa vào nơi mát mẻ, có ánh sáng nhẹ để đảm bảo có một môi trường tạm ổn định cho tất cả các loại hoa khi bạn không có ở nhà.

Hoa không chỉ là những bông hoa đơn thuần mà còn là biểu tượng của sự tươi mới, sức sống và tình yêu. Việc trồng và chăm sóc hoa không chỉ làm đẹp cho không gian xung quanh mà còn là một cách để thư giãn tâm hồn và kết nối với thiên nhiên. Hy vọng rằng thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về thế giới phong phú và hấp dẫn của hoa và có thêm động lực để tạo ra những khu vườn hoa tuyệt vời trong cuộc sống của mình.