Giới thiệu về hoa đào
- Tên gọi khác: Cây đào.
- Tên trong khoa học: Prunus persica.
- Tên trong tiếng Anh: Peach blossom.
- Họ: Hoa hồng – Rosaceae.
- Chi: Prunus.
Cây hoa có đặc điểm hình dáng đẹp, phần tán lá xum xuê, cho hoa rực rỡ, phần nụ non mọc nhiều. Hoa chỉ nở đúng dịp Tết cổ truyền nên đào chính là loài hoa được ưa chuộng đặc biệt mỗi độ Xuân về. Loài hoa chưng đào trong dịp đầu năm mới với những lời cầu chúc tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng.
Nguồn gốc của hoa đào
Cây đào có nguồn gốc không rõ ràng, có nhiều tài liệu ghi lại cho rằng xuất xứ từ Iran, nhưng cũng có người nói xuất xứ từ Trung Quốc. Giống hoa được đưa vào Ba Tư, Địa Trung Hải theo con đường tơ lụa trong khoảng thiên niên kỷ 2 TCN. Tuy vậy, cũng có những ghi chép lại cây xuất hiện lần đầu tại Anh từ năm 1616.
Mới đây, trong một nghiên cứu của Giáo sư Gary Crawford cùng với hai đồng nghiệp tại Đại học Toronto (Canada) cho biết cây đào được hình thành từ khoảng 7500 năm trước. Giống cây đã được con người thuần hóa cũng như lai ghép trở thành một loại cây ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt tốt đẹp đối với con người.
Cây đào lần đầu được biết tới tại Ba Tư. Sau đó, đào đã được du nhập sang Trung Quốc, Mông Cổ, Lào. Hiện tại, loài hoa đã có mặt ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, đào được trồng chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như: Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, hay Hà Giang,… cùng một số các tỉnh ở Tây Nguyên.
Hoa đào có đặc điểm gì?
Cây đào thuộc dạng cây thân gỗ nhỏ, thường được trồng chủ yếu phục vụ làm cảnh, lấy hoa hay quả. Thân cây có màu đỏ tía hay xanh, có thể cao trong khoảng từ 1 – 10m. Phần rễ cây thuộc dạng rễ cọc, có phân nhánh với khả năng chịu được hạn tốt, chịu úng kém.
Lá của cây có dạng hình mũi mác, elip, phần mặt dưới có chứa các gân lá nổi. Lá của cây thường có độ dài trong khoảng từ 7 – 15cm, rộng từ 2 – 3cm, thường xanh, tươi tốt vào thời điểm mùa xuân, rụng lá vào mùa thu.
Hoa thường nở đầu Xuân, trước khi mọc lá. Hoa của cây đào thường mọc dạng đơn hay đôi, có đường kính trong khoảng từ 2,5 – 3cm, có màu hồng. Số lượng cánh của hoa trong khoảng từ 5 – 25 cánh tùy theo từng loại. Cánh thường có các màu: Hồng nhạt, đỏ, hồng đậm. Phần nụ của hoa có dạng hình trứng, elip, bầu dục, tròn,…
Cây cho quả có dạng hạch. Quả của cây có hạt lớn, lớp vỏ gỗ cứng bao bọc bên ngoài. Thịt quả có sắc vàng hay trắng ngà, thơm ngon. Phần quả ở bên ngoài được phủ với lớp lông tơ mềm như nhung.
Điều kiện sinh trưởng
Cây đào có thể chịu được thời tiết lạnh trong khoảng từ -26 ℃ tới – 30 ℃. Các chồi hoa thường bị chết đi trong khoảng – 15 ℃ tới – 25 ℃ (căn cứ vào khoảng thời gian rét). Một vài giống đào nhạy cảm hơn với thời tiết lạnh hơn. Tuy nhiên, cũng có một vài giống khác có thể chịu được nhiệt độ thấp hơn (khoảng vài độ).
Cây đào cần nhiều nhiệt trong mùa hè cho quả có thể chín được. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiệt độ cao nhất trong mùa hè có thể nằm trong khoảng từ 20 ℃ – 30 ℃. Đào nên trồng tại vị trí nhiều nắng, thông thoáng.
>>> Xem thêm: Lung linh sắc hoa mai vàng cho không khí Xuân thêm rộn ràng
Các loại hoa đào
Người miền Nam chuộng hoa mai, người miền Bắc thường chọn hoa đào chưng Tết. Giống hoa này có nhiều loại rất đặc biệt, các bạn có thể tham khảo để lựa chọn như sau:
Đào phai
Đào phai là giống hoa có màu hồng nhạt. Phần cánh hoa có dạng mỏng, màu nhạt hơn so với những loại đào khác. Giống đào phai cho hoa đường kính lớn, lượng cánh hoa trên một bông cao, dao động trong khoảng từ 20 – 22, tỷ lệ ra hoa cao trên 90%. Hoa thường mọc dạng chùm, thời gian bảo quản cành hoa 12 – 15 ngày.
Bích đào
Giống bích đào cho hoa màu hồng đậm, tươi sáng. Mỗi bông đào có từ 20 – 22 cánh, đường kính cánh hoa trong khoảng từ 3,5cm trở lên. Giống đào này cho tỷ lệ ra hoa cao tới 95%. Cây đào có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao.
Bạch đào
Đây là giống hoa đào màu trắng quý hiếm. So với những cây đào khác thì loại hoa này khá khó trồng, không dễ nở vào thời điểm ngày Tết. Hiện tại, giống đào trắng ở nước ta không còn nhiều, còn ít gốc nên được giới mê hoa săn lùng với giá thành cao.
Bạch đào có đường kính cánh lớn trên 3,5cm. Số cánh trên mỗi bông từ khoảng 18 – 20. Tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%. Hoa thường nở rộ và kéo dài trong khoảng 12 – 15 ngày.
Đào má hồng
Đào má hồng hay còn được gọi là đào lông, đào vạn tượng. Đây là một loại đào lai tạo thông qua cách ghép gốc cây đào rừng tại Đà Lạt với mầm của các loại đào như: Bích đào, bạch đào, hồng đào,…
Điểm đặc trưng của giống hoa này đó chính là cho hoa kép, khoảng 25 cánh chụm lại, tạo nên vẻ đẹp vô cùng quyến rũ. Hoa có khả năng tươi lâu, có mùi thơm đặc trưng. Chính vì thế trở thành một trong những chọn lựa rất phổ biến trong hoạt động trang trí cũng như tạo được điểm nhấn cho sân vườn vào những ngày Tết cổ truyền.
Đào thất thốn
Cây thân đào, có dáng lùn, cho nhiều hoa, kết trái lâu năm. Bông hoa nhỏ, có nhiều màu sắc đẹp. Mỗi nhánh đào chỉ có 7 hoa. Màu đỏ thẫm chính là màu phổ biến của giống cây này, trồng trong chậu, uốn với những thế khác nhau để phục vụ làm cảnh.
Đào đá
Đào đá chủ yếu mọc ở rừng sâu, thân cây xù xì, cành to khỏe. Sở dĩ loại đào này có tên gọi là đào đá bởi thân cây xù xì giống như đá vô cùng đặc biệt. Lớp vỏ thân này được tích tụ từ các loài thực vật khác ký sinh sống trên thân. Đào đá thường có 5 cánh, có vẻ đẹp vô cùng độc đáo.
>>> Xem thêm: Top 10 Loại Hoa Tết Mang Đến Tài Lộc Sức Khỏe 2023
Sự tích hoa đào
Xưa kia, tại vùng phía Đông núi Sóc Sơn, có cây đào mọc từ lâu đời. Cành lá đào xum xuê, to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả vùng rộng lớn. Trên cây đào có hai vị thần tên gọi Uất Lũy và Trà sống trên cây để che chở cho dân làng. Bất cứ quỷ dữ, ma quái nào lui tới sẽ khó có thể tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh này, đến nỗi khiếp sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần thấy cành đào là không dám bén mảng tới.
Những ngày cuối năm, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên chầu Ngọc Hoàng. Trong những ngày Tết, khi vắng mặt ở trần gian, để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái dân chúng đã bẻ cành đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành về thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà, xua đuổi ma quỷ.
Ngày nay, mỗi nhà vẫn duy trì tập tục chưng đào ngày Tết. Tuy nhiên, ý nghĩa đã khác so với những tập tục xưa. Chưng hoa mang tới sự ấm cúng cho ngôi nhà, gieo vào lòng người niềm vui, tin yêu và hy vọng vào một năm mới tốt đẹp, may mắn và thành công.
>>> Xem thêm: Hoa mào gà rực rỡ gửi gắm vận may, sung túc cho gia chủ
Hoa đào có ý nghĩa gì?
Nhắc tới sắc hoa phổ biến ngày Tết chắc chắn không thể bỏ qua sắc đào rực rỡ. Phong tục chơi đào ngày Tết miền Bắc đã có từ rất lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa cũng như tinh thần của người dân:
Trong ngày Tết
Cây đào ngày Tết không chỉ là sắc hương rực rỡ tô điểm cho không gian mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa đã được gửi gắm bao đời nay của người Việt cổ:
- Tinh hoa ngũ hành: Sắc màu tươi thắm của cây đào được xem như tinh hoa ngũ hành trong trời đất. Màu hoa giúp xua đuổi bách quỷ cùng những điều không may. Từ đó, mang tới cho con người một năm bình yên, hạnh phúc.
- Sinh sôi nảy nở: Cây đào thường nở vào dịp đầu Đông Xuân, là mùa cho sự sinh sôi và nảy nở. Khi đào khoe sắc cho năm mới cho con người thêm những hy vọng mới về một cuộc sống tốt lành, gặp nhiều may mắn hơn. Đồng thời, mở ra một chặng đường tương lai nhiều thuận lợi.
- Hòa thuận gắn kết: Hoa đào biểu trưng cho sự chung thủy, gắn kết. Loài hoa mang đậm giá trị nhân văn, gửi gắm những mong muốn về sự hòa thuận, kết nối giữa con người với con người.
- An khang, thịnh vượng: Sắc hồng của hoa đào chính là màu sắc của may mắn, ấm cúng, niềm vui niềm tin, tình yêu và hy vọng về một năm bình an, hạnh phúc.
Trong phong thủy
Xét theo phong thủy, cây đào được ví như tinh hoa Ngũ hành, có thể xua đuổi được bách quỷ. Qua đó, mang tới cho con người một cuộc sống hạnh phúc, bình an. Đây cũng chính là lý do chính mà mọi người thường trồng cây đào trước cửa nhà vào mỗi dịp Tết.
Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu phong thủy, cây đào còn biểu trưng cho dương khí, mang tới nguồn sinh khí mới. Chưng cây đào ngày Tết với mong muốn mọi thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, bình an trong năm mới.
Trong quan niệm tâm linh
Theo tâm linh, xưa kia khi loài quỷ còn làm chủ thế gian, Đức Phật đã giúp cho con người chiếm đất, sử dụng cành đào để làm ranh giới. Từ đó, để trừ tà ma ngày Tết (đêm 30), không cho ma quỷ từ biển Đông vào đất liền thì người người nhà nhà đều cắm một cành đào để báo cho chúng không xâm phạm quấy nhiễu.
Trong văn hóa các quốc gia
Trong văn hóa biểu tượng của các quốc gia, cây đào thường gắn liền với những ý nghĩa độc đáo:
- Đối với người Trung Quốc: Cây đào là hình ảnh tượng trưng cho sự đổi mới, sinh sản dồi dào. Bởi vậy, trong văn hóa của người Trung Hoa thường lấy loài hoa này làm biểu tượng cho lễ cưới. Ngoài ra, đào nở vào mùa Xuân thường biểu tượng cho tình bạn thân thiết. Theo điển tích còn ghi lại, xưa kia ba vị Lưu – Quan – Trương đã kết nghĩa huynh đệ trong vườn đào rực rỡ.
- Đối với người Nhật Bản: Cây đào biểu tượng cho sự thủy chung, trong trắng.
>>> Xem thêm: Hoa bất tử loài hoa của sự trường tồn, vĩnh cửu
Công dụng của cây hoa đào
Hoa đào chủ yếu được trồng phục vụ cho nhu cầu trang trí. Người miền Bắc thường quan niệm, ngày Tết chưa thấy đào sẽ chưa thấy Tết, mang ý nghĩa tâm linh to lớn, biểu trưng cho những điều may mắn, suôn sẻ, đoàn viên và hạnh phúc.
Làm thực phẩm
Quả đào chín thường được sử dụng để phục vụ ăn tươi. Ngoài ra, quả cũng có thể được chế biến thành đồ hộp, mứt, sấy khô hay nước quả,… rất ngon miệng. Hoa cũng có thể chế biến thành cháo vừa thúc đẩy quá trình lưu thông máu, có công dụng thẩm mỹ, loại bỏ huyết ứ. Rượu từ hoa cũng có tác dụng thông kinh hoạt lạc, trị bế kinh ở phụ nữ rất tốt.
Làm thuốc chữa bệnh
Trong y học cổ truyền, hoa có tính bình, vị đắng và không độc. Cây hoa được ứng dụng như một cây thuốc nhuận tràng, điều hòa chức năng cho cơ quan hô hấp. Đồng thời, hỗ trợ giảm ho, bế kinh, đau bụng kinh, cao huyết áp, viêm ruột thừa, tụ huyết sưng đau do tình trạng chấn thương, trị chứng tắc nghẽn mạch máu.
- Rễ đào thường được dùng để điều trị tình trạng sưng đau, sắc lên làm nước uống chữa trị viêm gan, vàng da.
- Nhựa trên thân cây chữa kiết lỵ, đái tháo đường.
- Cành cây sắc lên có thể chữa sốt rét.
- Lá của cây chữa viêm âm đạo, đun nước tắm chữa ngứa, ghẻ.
- Hoa của cây có công dụng hạ khí, lợi tiểu.
Làm đẹp
Trong các nghiên cứu dược lý, hoa có chứa caroten, kaempferol, vitamin C, vitamin E,… Các hoạt chất này có hỗ trợ cải thiện lưu thông máu. Qua đó, thúc đẩy cung cấp dinh dưỡng, oxy cho da, giữ ẩm tối ưu cho làn da.
Ngoài ra, hoa còn được sử dụng để xóa mờ thâm nám, dưỡng trắng cũng như giảm nếp nhăn. Những người có làn da mẫn cảm với thời tiết, mụn nhọt lâu ngày có thể giã nát hoa + muối theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, hòa cùng với giấm để thoa lên mặt mỗi tối, cho hiệu quả tối ưu.
>>> Xem thêm: Hoa hải đường “Quý phi muôn hoa” phú quý, đại lộc tại gia
Hoa đào trong nghệ thuật
Loài hoa của mùa Xuân đã xuất hiện rất phổ biến trong nghệ thuật với nhiều hình ảnh đẹp đẽ, ý nghĩa vô cùng giá trị:
Bài thơ hoa đào
Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ, sum vầy. Loài hoa với vẻ đẹp ấn tượng đã làm tốn bao giấy mực của các thi sĩ xưa và nay:
“Hoa đào trước ngõ em qua
Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa
Đầy vườn lộc biết cây tơ
Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu”
(Hoa đào nở sớm – Chế Lan Viên)
“Hoa đào năm ngoái còn tươi
Mắt môi thuở ấy nét cười thẳm không
Hồn hoa he hé gió đông
Tiếc xuân đợi nỗi cải ngồng tháng ba”.
(Hoa đào năm ngoái – Trần Mạnh Hảo)
Stt hoa đào
Đầu Xuân đào khoe sắc thắm đón chào một năm mới với những hy vọng, niềm vui, cơ hội mới. Cùng điểm qua những stt về loài hoa để chia sẻ lên mạng xã hội khởi nguồn một năm mới may mắn, hạnh phúc và thành công:
“Cúng như hoa mai, hoa mận, hoa đào sở hữu những phẩm chất riêng. Giống như mỗi người chúng ta đều là duy nhất. Chúng ta không thể trở thành một ai khác. Điều quan trọng là sống thật với chính mình và khiến cho bông hoa vĩ đại của đời mình nở hoa.”
“Những bông đào nở rộ có ma lực hút hồn mọi trái tim bằng vẻ đẹp tinh khôi của mình. Là phụ nữ, hãy luôn chăm sóc bản thân mình thật tốt để luôn xinh đẹp, dịu dàng, nở hoa trong hạnh phúc.”
Tranh vẽ hoa đào
Tranh về loài hoa đặc trưng Tết miền Bắc được nhiều người ưa chuộng. Những bức tranh biểu tượng cho may mắn, hạnh phúc, giàu có, thịnh vượng. Tranh được thể hiện dưới nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn dầu, tranh khắc đá, tranh tráng gương, tranh canvas,…Nhiều gia đình lựa chọn treo tranh loài hoa này này với ý nghĩa gia tăng phúc khí.
Hình xăm hoa đào
Hình xăm cánh đào là lựa chọn được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích. Loài hoa có màu hồng nhạt vô cùng bắt mắt, cánh hoa nhẹ nhàng, mềm và cực kỳ nữ tính, giúp phái đẹp trở nên quyến rũ. Hơn nữa, trong phong thủy, loại hình xăm này còn được coi là tinh hoa của ngũ hành. Qua đó, mang tới một cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Tùy theo sở thích, các bạn có thể chọn những vị trí xăm hình như: Xương quai xanh, cánh tay, sống lưng, bả vai, cổ tay, cổ chân, sau vai,… thể hiện được trọn vẹn cá tính của bản thân.
Cách trồng hoa đào
Đối với cây đào, có hai phương thức trồng cây phổ biến là gieo hạt, ghép cành. Tuy nhiên, cách thức ghép cành vẫn được ưa chuộng hơn cả bởi thời gian thực hiện nhanh hơn.
Trồng bằng cách ghép cành
Để trồng bằng cành ghép, các bạn cần chuẩn bị cành khỏe mạnh, không mắc sâu bệnh. Chọn cành có tuổi thọ ít nhất trong khoảng 1 năm để giúp cho cây có thể phát triển nhanh và tốt. Cách thức ghép như sau:
Ghép áp
- Bước 1: Cắt đoạn khoảng từ 6 – 10cm và bỏ ngọn, mầm yếu, chỉ giữ lại trong khoảng 2 – 3 mắt.
- Bước 2: Cắt phần gốc ghép, chọn gốc ghép trơn nhẵn dài khoảng 3 – 4cm, rạch vết dao nghiêng khoảng 45 độ hướng phía lên trên để cắt 1/3 lớp gỗ, chừa lại khoảng 2 – 3 lá thật tại gốc ghép. Đối với chồi ghép cũng thực hiện vạt một mặt xiên tương tự. Tiếp đó, áp mặt cắt của chồi ghép vào gốc ghép để thực hiện ghép.
- Bước 3: Cắt ghép cành bằng cách đặt mặt dài của cành ghép vào bên trong. Dùng túi ni lông tự phân hủy quấn chặt từ phía dưới lên ở quanh vết ghép theo dạng hình tròn để cố định.
Ghép mắt nhỏ có gỗ
- Bước 1: Chọn gốc ghép cách mặt đất trong khoảng từ 20 – 25cm.
- Bước 2: Cắt lấy phần mắt ghép với vết cắt tại gốc bằng kích thước của cành ghép, cách phần mắt dưới khoảng 1/2cm.
- Bước 3: Cấy mắt ghép vào gốc và cố định lại cành ghép trên gốc bằng túi nilon.
- Bước 4: Chờ cành ghép phát triển (từ 2 – 4 tuần) có thể tiến hành cắt tháo dây buộc.
Trồng bằng cây giống
Nếu muốn trồng đào cảnh có thể trồng thành nhiều vụ trong năm. Trong đó, thời vụ chính là vào mùa xuân (tháng 2 – 3) và mùa thu (cuối tháng 9 – đầu tháng 10). Căn cứ vào nhu cầu, cũng như sở thích mà chọn giống đào sao cho phù hợp.
– Cây đào không kén đất, đất phù hợp là đất thịt nặng hay đất thịt pha cát, không ngập úng, độ pH 5.6 – 6.5.
– Chọn đất cao ráo, độ thoát nước tốt, làm cho đất tơi xốp, lên luống cao từ 25 – 30cm, rộng 70cm, tạo rãnh thoát nước tốt.
- Bước 1: Đào hố trồng với kích thước 15 – 20cm, sâu 20 – 30cm và đặt cây đào giống xuống chính giữa hố.
- Bước 2: Sử dụng cuốc, xẻng lấp đất quanh gốc cây. Sử dụng tay ấn nhẹ đất ở xung quanh bầu cây cho cây không bị đổ khi tưới nước. Lấp đất cao tới phần cổ rễ của cây đào.
- Bước 3: Chống cọc cho cây khỏi đổ. Việc chống cọc phải được thực hiện ngay sau khi trồng.
- Bước 4: Dùng rơm, cỏ mục, rạ ủ giữ ẩm cho cây.
Cách chăm sóc cây đào
Cây đào sau khi trồng muốn đảm bảo cho hoa chất lượng cần chăm sóc kỹ lưỡng:
Bón phân
Bón phân chăm sóc cây đào cần đáp ứng đúng nguyên tắc ngay say khi trồng tới 15 tháng 7 Âm lịch thường xuyên phải bón thúc cho cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Sau đó, chuyển sang các giai đoạn thực hiện bón phân khác.
Lượng đạm cần giảm dần từ lần bón đầu tiên tới lần bón cuối. Khoảng 15 – 20 ngày sẽ thực hiện bón thúc một lần. Có thể bón theo các cách sau:
- Cách 1: Rạch lớp cách gốc 20 – 25cm, rắc phân đều ở xung quanh và lấp đất.
- Cách 2: Hòa phân vào trong nước tưới tại gốc.
- Cách 3: Thực hiện phun phân qua lá.
Tốt nhất các bạn nên áp dụng xen kẽ cả 3 cách bón trên. Mỗi lần bón thúc với liều lượng 18 – 27 kg/sào Bắc Bộ ( 0,1 – 0,15kg/cây tùy theo tuổi). Nếu có thời gian nên ngâm ủ phân chuồng, phân cá, bã đậu tương cho hoai mục, hòa loãng, bổ sung NPK vào trong nước phân đó tưới lên cho cây. Nếu áp dụng cách thức này thì không nên tưới đậm đặc, tưới nhiều lần, khi đất khô, không tưới vào ngày mưa hay trời mới mưa.
Tưới nước
Ngay sau khi trồng cây phải được tưới nước ngay (kể cả mùa mưa). Độ ẩm đất khi trồng cây phải đảm bảo đạt 70% trong 15 ngày đầu để cây không bị chết, rễ nhanh chóng tiếp xúc với đất. Lượng nước tưới từ 3 – 5l/cây/ngày.
Những ngày sau đó, tùy thuộc vào độ ẩm bên trong đất, thời tiết có thể cách 3 – 5 ngày tưới một lần. Trước khi tưới nên thực hiện chọc hai lỗ hai bên gốc cây để nước có thể ngấm xuống một cách dễ dàng. Có thể thực hiện tưới rãnh hay nhỏ giọt để đảm bảo cho cây ẩm mà không làm thân cây thường xuyên ngập nước gây bệnh chảy gôm cho cây.
Phòng sâu bệnh
Một số loại sâu bệnh thường gặp đối với cây đào mà người trồng cần đặc biệt chú ý đó chính là:
Bệnh chảy nhựa
Bệnh hại chủ yếu tại vị trí thân cành, nhất là chỗ phân nhánh. Khi mắc bệnh, phần vỏ cây nứt ra, xuất hiện nhựa vàng trong suốt chảy ra. Lâu đầu chuyển thành màu nâu đỏ, chỗ bị bệnh lồi lên, tầng vỏ, gỗ bị mục. Lá cây mắc bệnh bị vàng, nếu bệnh nặng có thể làm cây bị chết.
Đối với trường hợp cây mắc bệnh cần chú ý không trồng đào tại nơi đất quá chặt. Nếu bắt buộc trồng cây trên đất thịt thì cần thực hiện bón phân hữu cơ. Quét gốc cây phòng sâu bệnh hại. Khi gặp trời sương muối, nắng cháy cần có các cách thức giúp che chắn cho cây.
Bệnh xoăn lá đào
Đây là căn bệnh người trồng đào thường gặp, có ảnh hưởng rất lớn tới sự ra hoa. Ban đầu, phần lá sẽ dày lên, có màu xanh xám. Phần lá bệnh bị xoăn, màu đỏ hay đỏ tím. Trên phần mặt lá sẽ xuất hiện bột có màu trắng xám. Sau đó, lá có màu nâu và rụng.
Nếu xác định cây mắc bệnh cần chú ý thu hái lá bệnh để đốt, giảm nguồn lây. Đồng thời, không được bón phân chưa hoai.
Bệnh rệp đào
Bệnh do rệp thuộc bộ cánh đều, họ rệp gây ra. Để phòng ngừa, người trồng cần chú ý phun thuốc phòng ngừa 3 lần trong năm. Khi cây mắc bệnh nặng cần pha thuốc đun nóng, để nguội và phun lên làm chết rệp.
>>> Xem thêm: Cây dạ ngọc minh châu – “Chuỗi ngọc” may mắn cho cuộc đời
Cách chăm đào nở đúng Tết
Bên cạnh những yếu tố cần chú ý khi chăm đào trong khi trồng, muốn cho cây ra hoa vào đúng dịp Tết cần thực hiện thêm các biện pháp như sau:
Dừng bón phân, tưới nước
Khoảng từ tháng 10 không bón phân cho cây và hạn chế tối đa các hoạt động tưới nước. Tùy theo điều kiện mưa rét hay nắng ấm mà người trồng có thể điều chỉnh đun nước ấm/lạnh để kích/hãm đào nở cho đúng dịp Tết.
Tuốt lá đào
Giữa tháng 11 Âm lịch, thực hiện tuốt hết lá bằng tay. Khi tuốt lá cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo cho nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày và màu đẹp. Thời điểm nào thời tiết nắng nóng thì tuốt lá muộn hơn 2 – 5 ngày. Nếu thời tiết lạnh nhiều thì tuốt lá sớm hơn.
Trường hợp sau khi tuốt lá, trời nắng nóng kéo dài cần làm giàn che, phun nước lạnh thường xuyên vào toàn bộ tán cây, phun phân ure pha nồng độ 1% lên thân lá hay tưới nước để hãm cho đào không ra hoa sớm.
Ngoài ra, nên phun GE chuối giúp kích thích đào ra nụ, hoa, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Cùng với đó, kết hợp bón gốc với phân hữu cơ trùn quế để cho cây đào đẹp vào dịp Tết.
Đào vốn là giống cây hoa rụng lá vào mùa đông. Sau khi lá rụng, nụ hoa phát triển nhanh. Nếu để cây mọc tự nhiên thì rụng lá vào cuối Chạp, nở hoa cuối tháng giêng hay tháng hai trong năm tới. Bởi vậy, muốn có hoa đẹp trong dịp Tết, cùng với việc hãm bón phân, tưới nước cần phải tuốt lá trước một thời gian (dài/ngắn tùy theo giống, tình trạng cây khỏe/yếu, trẻ/già).
Khi tuốt cần chú ý bứt từng lá, không được một tay tuốt thẳng từ đọt xuống. Như vậy, sẽ làm tổn thương tới các mầm hoa.
Khoanh vỏ cây
Đây là phương án dễ dàng giúp hạn chế sự sinh trưởng, cho cây chuyển sang giai đoạn ra hoa:
– Thời gian thực hiện:
Mỗi giống đào lại có thời gian khoanh vỏ khác nhau như:
- Đào bích: Khoảng thời gian 15/8 (Âm lịch).
- Đào phai: Khoảng 5/8 .
- Đào thất thốn: Khoảng 1/7.
– Cách thực hiện:
- Bước 1: Chọn vị trí thân cách gốc khoảng 20 – 40cm.
- Bước 2: Sử dụng dao sắc khoanh 1 vòng tròn khoảng 350 độ sâu tới gỗ của cây, cứa lại khoảng 2 – 3 lần để tạo được vết khoanh rõ ràng.
Chú ý: Khoanh vỏ vào những buổi sáng trời không mưa. Khoanh vỏ thành công khi sau 1 ngày thấy nhựa đùn ra vết khoanh. Sau khoảng 2 – 3 tuần, lá đào hơi chuyển từ xanh đậm sang xanh nhạt, hơi rủ xuống.
Trường hợp lá vẫn chưa chuyển màu đồng nghĩa với việc phải khứa thêm một vòng khác trên vết cũ. Nếu chưa được tiếp tục hãm lần thứ 3.
Bọc túi nilon, thắp điện sưởi ấm
Trường hợp thời tiết rét đậm kéo dài (<10 độ C) quá 7 ngày, hầu hết nụ đào bích sẽ gặp tình trạng bị nát nên cần sưởi ấm bằng cách bọc cây bằng túi nilon.
Phun nước ấm trong khoảng 40 – 500 độ C vào xung quanh gốc. Bổ sung khoảng 5 – 6 lần/ngày, thắp bóng điện vào ban đêm. Đồng thời, phun GE chuối giúp kích thích cho đào ra hoa đúng vào dịp Tết.
Kỹ thuật kích đào nở nhanh
Tùy thuộc vào tình hình thời tiết mỗi năm mà đào có thể nở sớm hay muộn hơn so với dự tính. Trong trường hợp này, người trồng có thể áp dụng các phương thức giúp kích thích hoa nở đẹp như:
Đầu tháng 12 Âm lịch, nếu nhận thấy chưa có nụ hoa nhú báo hiệu hoa nở chậm. Muốn hoa nở vào dịp Tết cần thúc hoa ra nhanh bằng cách:
- Tưới phân đạm, xới ở xung quanh gốc với độ sâu khoảng 5cm.
- Bón phân trùn quế, phun GE chuối, tưới nước ấm từ khoảng 35 – 40 độ C vào gốc đào khoảng từ 5 – 6 lần/ngày.
- Quây nilon thắp đèn điện tăng nhiệt độ.
Kỹ thuật hãm đào
Đối với những năm thời tiết thất thường, đào có thể nở nhanh hơn dự định. Các bạn có thể áp dụng các kỹ thuật hãm đào như sau:
- Cuối tháng 11 Âm lịch nếu thấy nụ hoa nhú to tức là hoa nở sớm. Người trồng cần che nắng, tạo bóng tối cho cây từ 10 – 15 ngày. Tạo giàn che bằng lưới đen, kết hợp pha cùng phân đạm nồng độ 1% vào nước lạnh phun lên thân lá hay tưới vào gốc.
- Sử dụng dao khứa ở xung quanh thân một vòng đứt vỏ. Bới đất, chặt bớt rễ khoảng từ 10 – 20%. Xén rải rác quanh gốc, không tưới nước hay xới xáo.
Cách giữ hoa tươi lâu
Muốn chơi đào tươi lâu, đẹp mắt trong ngày Tết cần áp dụng các cách thức sau:
Đào trong bình
Đối với các cành đào, nên chọn mua đào tơ, thân to mập, có nhiều cành dăm, mắt dày và nhiều nụ. Loại đào này không mang lá, nên không hoặc mất ít nước qua lá. Khi cắm chỉ cần đổ ít nước giữ cân đối trọng lượng cho bình không bị đổ.
- Sau khi mua cành nên đốt gốc, đốt cành hay nhúng vào trong chậu nước nóng già 70 – 80 độ C. Như vậy, nhựa trong cành sẽ không chảy, các chất dinh dưỡng dự trữ nuôi hoa không thẩm thấu ra bên ngoài. Chú ý, đốt trong thời gian ngắn, không đốt quá lâu.
- Khi cắm cành vào bình nên thay nước sạch khoảng 2 – 3 ngày/lần. Mỗi lần thay cho 1 viên Aspirin để hạn chế vi khuẩn thối cành, tàn hoa.
- Trường hợp muốn đào nở nhanh thì để trong phòng kín, bật điện, đốt hương. Nếu muốn đào nở chậm lại thì cho nước đá vào bình, đặt tại vị trí thoáng khí. Đặt bình hoa ra ngoài vào ban đêm. Trong dân gian, cha ông ta còn cho sỏi vào bình giữ lạnh. Cho nắm vôi đắp quanh gốc, hoa nở tung sau một đêm.
Đào trong chậu
Đối với các cây đào trong chậu cần thực hiện tưới nước thường xuyên với nước sạch nhưng không quá ẩm. Do cây đào là giống ưa khô, nếu tưới nhiều nước thì rễ sẽ bị ướt, thối, cây nhanh hỏng.
Hình ảnh hoa đào
Hoa đào thường có nhiều loại khác nhau, mỗi loại lại có nét đẹp riêng. Dưới đây là một số những hình ảnh về hoa được Hoàng Yến Group sưu tầm được gửi tới các bạn. Hãy cùng chiêm ngưỡng nhé!
Hoa đào rực rỡ khoe sắc hồng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Khắp mọi nơi từ nhà, ra ngõ đều thấy sắc hồng ngọt ngào, ấm áp. Hiểu về ý nghĩa, giá trị của loài hoa càng khiến mỗi người thêm yêu hơn sắc hoa ngày Tết quê hương.
Câu hỏi về cây hoa đào
Dưới đây là một số những câu hỏi về cây đào các bạn có thể tham khảo để có thêm thông tin về giống hoa đặc biệt này:
Hoa đào ăn được không?
Không chỉ có mặt trong các công thức cải thiện dung nhan, cây đào còn được dùng trong các món ăn, bài thuốc chữa táo bón, bí tiểu ở thai phụ. Trong đó, nổi bật là cháo cánh hoa hay thức uống từ hoa vô cùng ngon miệng.
Hoa đào hợp mệnh nào?
Sắc đào màu hồng, đỏ màu của người mệnh Hỏa. Bởi vậy, hoa thường hợp với người mệnh Hỏa, Thổ. Những tuổi thuộc mệnh này như: Bính Dần, Mậu Tý, Bính Thân, Mậu Ngọ, Ất Hợi,….
Đặt cây hoa ở đâu trong nhà?
Vị trí đặt cây đào trong nhà phù hợp giúp gia chủ gia tăng vận may trong năm mới. Các bạn nên nhớ:
- Năm Tý, Thìn, Thân đặt cây hoa hướng Tây.
- Năm Ngọ, Tuất, Dần đặt cây hoa hướng Đông.
- Năm Dậu, Sửu, Tỵ đặt cây hoa hướng Nam.
- Năm Mão, Mùi, Hợi đặt cây hoa hướng Bắc.
Chọn chậu trồng cần cân đối với hình dáng cây. Màu sắc chậu hài hòa với sơn tường:
Bình hoa màu xanh dương, đen nên đặt bình hướng Bắc.
- Bình màu xanh ngọc, xanh lá đặt cây hướng Đông, Đông Nam.
- Bình hoa màu đỏ, tím đặt cây hướng Nam.
- Bình hoa màu vàng, trắng đặt cây hướng Tây, Tây Bắc.
- Bình hoa màu vàng, nâu đặt cây hướng Đông Bắc, Tây Nam.
Vân Nguyễn 17/02/2024