Hoa bằng lăng là hoa gì?
- Tên gọi khác: Bằng lăng, bằng lăng cườm, cây sang sẻ, bằng lăng nước,…
- Tên trong khoa học: Lagerstroemia speciosa.
- Chi: Tử vi – Lagerstroemia.
Nguồn gốc
Cây bằng lăng có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ, Đông Nam Á cùng một số quốc gia có khí hậu nhiệt đới khác, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, giống hoa này chủ yếu được trồng trên những con phố, đô thị hay trong công viên với mục đích làm đẹp cảnh quan xung quanh.
Hoa bằng lăng có đặc điểm gì?
Giống hoa bằng lăng thuộc cây thân gỗ, sinh trưởng nhanh. Kích thước cây trung bình trong khoảng từ 2 – 14m tùy theo điều kiện sinh sống. Thân cây mọc thẳng, cứng cáp, với vẻ ngoài nâu đen, hơi xù xì. Cành cây mọc, tỏa nhánh ở xung quanh phần trên giúp cho tán cây cao lại rộng, độ phủ bóng tốt.
Lá của cây hoa có độ dài từ 10 – 15cm, rộng từ 4 – 6cm, màu xanh đậm. Phần lá cây có dạng bầu dục, đầu hơi nhọn. Đường gân lá thường nổi lên rất rõ nét. Vào thời điểm mùa mưa, lá cây sẽ bắt đầu rụng.
Cánh hoa mỏng, nở xòe tạo thành từng chùm với màu tím vô cùng đẹp mắt. Mỗi hoa thường có 6 cánh, nhụy vàng bên trong tạo nên vẻ đẹp hài hòa, ấn tượng. Mỗi độ hoa nở, những chùm hoa thi nhau nở rộ, tạo nên các dải hoa tím dài từ 20 – 30cm.
Bằng lăng nở dịp đầu hè. Những búp hoa nhỏ nhắn nhưng khi nở bung ra lại có kích thước khá lớn. Mặc dù cây hoa này có nhiều màu đa dạng như: Hồng, trắng,… nhưng màu tím vẫn là màu đẹp mắt và phổ biến hàng đầu.
Sau một thời gian, hoa kết quả, rụng đi. Quả có hình cầu, đường kính nhỏ từ 2 – 3cm, khi già có màu nâu gỗ. Khi quả non có màu xanh tím. Quả cứng và bên trong có chứa hạt.
>>> Xem thêm: Hoa phượng vĩ tháng 5 ùa về miền ký ức tuổi học trò
Phân loại bằng lăng
Hiện tại, cây bằng lăng có nhiều loại khác nhau. Trong đó, những giống cây đang được trồng phổ biến phải kể tới đó là:
Theo giống cây
Dựa vào đặc điểm lá, hoa,… bằng lăng được chia thành các loại:
Bằng lăng nước
Bằng lăng nước hay bằng lăng tím là giống bằng lăng phổ biến nhất ở nước ta. Đây là cây hoa thân gỗ, thẳng, phân nhánh cao, phần tán dày. Hoa thường xuất hiện màu tím nhạt, mọc dạng chùm. Ngoài tím nhạt, hoa còn có màu sắc khác như: Tím sậm, tím trắng, hồng,…
Bằng lăng ổi
Tên gọi bằng lăng ổi là do phần thân giống với cây ổi. Lá mọc dạng so le, phần đầu nhọn, độ dài trong khoảng từ 7 – 14cm, rộng từ 2 – 5cm. Mặt trên ban đầu thường có lông, mặt sau dạng nhẵn. Mặt dưới lá thường có lông dày hơn mặt trên. Hoa thường mọc dạng cụm, có hình tháp tại ngọn cành. Hoa thường có các loại màu tím, tím hồng,…
Bằng lăng rừng
Giống hoa mọc dài tại các vùng sườn đồi, bảo vệ đất, chống tình trạng xói mòn, sạt lở, ổn định hệ sinh thái khu vực. Bằng lăng rừng thường có kích thước lớn hơn so với những loại cây trồng trong đô thị. Mùa hoa thường nở vào khoảng tháng 6, 7.
Chỉ bằng lăng
Chỉ bằng lăng còn gọi là cây tử vi, có mặt tại các nước trong khu vực Đông Á hay châu Úc. Cây thường xuyên bị động vật (sóc, chuột) cào rách vỏ nên hình dáng cây mất thẩm mỹ với các vết cào xước loang lổ trên cây. Hoa có màu sắc nhạt, không đẹp mắt như những loại bằng lăng khác nên không được ưa chuộng trồng làm cây trang trí.
Bằng lăng Thái
Đây là giống bằng lăng trồng trong chậu, chiều cao trung bình chỉ từ 40 – 100cm. Cây hoa ra tím uốn lượn có thêm nhị vàng rất đẹp mắt. Loại hoa này thường cho hoa sớm, ít lá rụng, không yêu cầu quá khắt khe về điều kiện trồng. Hoa có sức sống bền, chịu được nguồn ánh sáng trực tiếp.
Theo kích thước
Căn cứ vào kích thước của cây, bằng lăng có thể được chia thành 2 loại:
- Bằng lăng lùn: Cây hoa được ưu tiên trồng trong chậu trang trí như cây cảnh.
- Bằng lăng cao: Cây hoa được trồng phổ biến ở ven đường, sân trường,… tạo được bóng mát.
Theo màu sắc
Căn cứ theo màu sắc đặc trưng của hoa, bằng lăng có thể được chia thành:
Cây hoa bằng lăng tím
Đây là giống hoa với màu sắc thông dụng nhất. Phần lớn giống bằng lăng hiện có trên thị trường đều cho màu tím biếc đẹp mắt.
Hoa bằng lăng trắng
Bằng lăng trắng chủ yếu đến từ giống bằng lăng ổi. Hoa có màu trắng tinh khôi, tán lá rộng, hình mâm xôi, lá dày tới 20cm. Hoa mọc thành từng chùm, đài có lông dày khoảng 5 – 6mm, 6 cánh.
Hoa bằng lăng đỏ
Đây là màu sắc hoa độc đáo chủ yếu có được thông qua lai tạo gốc bằng lăng và cây tường vi. Kết cấu cánh hoa tương tự như bằng lăng tím thông thường. Tuy nhiên, có màu hoa đỏ rực vô cùng bắt mắt.
>>> Xem thêm: Bí mật loài hoa păng xê tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu
Sự tích hoa bằng lăng
Từ thuở xa xưa, Ngọc Hoàng có 12 cô công chúa xinh đẹp. Mỗi nàng đều được vua cha phong cho làm nữ hoàng một loài hoa xinh đẹp dưới nhân gian. Trong khi các chị đã chọn được hoa, còn cô công chúa út không chọn được loại hoa nào. Cuối cùng, nàng xin vua cha cho đại diện một loài hoa mang màu tím yêu thích. Ngọc hoàng quyết định chọn bằng lăng tím.
Lại nói dưới trần gian, ngày ấy có chàng thư sinh nghèo trót đem lòng yêu màu hoa tím nên đã phải lòng công chúa. Công chúa út cũng yêu mến chàng trai, xin được kết duyên cùng chàng. Tuy nhiên, việc nên duyên giữa tiên và người phàm là vi phạm luật trời nên Ngọc hoàng kiên quyết ngăn cản.
Cả hai không thể đến bên nhau, nàng công chúa út sinh ra buồn rầu, sắc hoa cứ phai nhạt dần. Còn về phần chàng trai cứ mãi thương nhớ khôn nguôi người trong mộng, một lòng thủy chung chờ đợi.
Hoa bằng lăng có ý nghĩa gì?
Loài hoa bằng lăng không rực rỡ như nhiều giống hoa khác nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt:
Trong cuộc sống
Ở một số quốc gia, bằng lăng tím được biểu trưng cho niềm vui, may mắn trong cuộc sống. Cây hoa sinh trưởng tốt trong môi trường khắc nghiệt, có khả năng chịu được hạn cao. Đây chính là biểu tượng cho sự kiên trì, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống.
Trong văn hóa tín ngưỡng của Phật giáo, bằng lăng tím thường được lựa chọn trong các buổi lễ cúng, coi là biểu tượng cho sự tinh khiết cũng như giác ngộ.
Trong tình yêu
Bằng lăng tím gắn liền với câu chuyện tình dang dở, mỗi lần hoa nở lại gợi nhớ về mối tình đầu chân thành, ngọt ngào nhưng không thể bên nhau. Màu hoa có thể là tình cảm nam nữ hay bất cứ một dạng tình cảm thuần khiết nào khác.
Bằng lăng nở vào mùa hè, là mùa các cô cậu học trò chia tay bước vào kỳ nghỉ hè. Sắc tím biếc thể hiện nỗi buồn man mác khi phải chia xa lứa tuổi học trò hồn nhiên, ngây thơ.
Trong phong thủy
Trong quan niệm của người Trung Hoa, bằng lăng tím chính là biểu tượng cho sự phú quý, giàu sang. Người trồng hoa tin rằng khi trồng bằng lăng tím sẽ có thể mang lại tài lộc, thành công trong kinh doanh. Vì thế, rất nhiều người lựa chọn trồng trước công ty, cây cảnh trong nhà, sân vườn để thu hút tài lộc.
>>> Có thể bạn chưa biết: Cẩm chướng đơn biểu tượng của tình yêu và sự kiên trì
Tác dụng của cây bằng lăng
Không chỉ có những ý nghĩa tốt đẹp, bằng lăng còn có nhiều công dụng đặc biệt hữu ích gắn liền với đời sống con người như:
Trang trí cho không gian
Bằng lăng có tán lớn, độ phủ bóng cao, màu hoa đẹp nên thường được các gia đình trồng làm cây tạo bóng mát. Cây có thể trồng tại sân vườn, đường phố, khuôn viên, công viên,… Cây hoa không chỉ tô điểm cho không gian mà còn tạo bóng mát, cho mùa hè thêm dịu mát. Không những vậy, cây hoa còn có công dụng thanh lọc không khí rất tốt, cho không gian xung quanh thêm trong lành, mát mẻ.
Tạo giá trị kinh tế
Bằng lăng có thể trồng để lấy gỗ. Gỗ bằng lăng có ưu điểm đẹp, mịn, độ bền cao, dẻo nên dễ chế tác thành các sản phẩm đồ gỗ nội thất ấn tượng. Nhiều gia đình có nhu cầu dùng gỗ bằng lăng làm trần nhà, ốp tường, lót sàn,…. Nhờ vậy, mang tới giá trị kinh tế cao cho người trồng cũng như những đơn vị gia công đồ gỗ.
Làm thuốc chữa bệnh
Theo các tài liệu Đông y có ghi lại công dụng chữa bệnh tuyệt vời từ cây bằng lăng. Trong đó, chủ yếu được sử dụng chữa tiểu đường, đau bụng, giảm lượng mỡ ở người thừa cân, mất ngủ, lợi tiểu,…
Quà tặng ý nghĩa
Bằng lăng tím có thể được sử dụng để làm quà tặng vô cùng ý nghĩa. Loài hoa đặc biệt dành cho tuổi học trò, nên các bạn có thể lựa chọn làm quà tặng dịp tựu trường, họp lớp hay khi gặp lại bạn bè. Hoa cũng có thể được sử dụng tặng cho người thân yêu cho tình cảm thêm gắn bó, bền chặt.
>>> Xem thêm: Say lòng màu hoa sim tím mang hơi thở của đất trời
Hoa trong nghệ thuật
Sắc tím bằng lăng đã đi vào nghệ thuật với những ý nghĩa độc đáo, ấn tượng. Người sáng tác đã gửi gắm trọn vẹn tâm tư, tình cảm thông quá cánh bằng lăng để gửi tới người thưởng thức:
Bài hát hoa bằng lăng
Bằng lăng xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc thuộc mọi thể loại từ trữ tình tới nhạc trẻ. Trong đó, nổi bật nhất phải kể tới ca khúc “Hoa bằng lăng” của nhạc sĩ hải ngoại Jimmy Nguyễn được công chúng yêu nhạc đón nhận:
“Nhà bên đang đón dâu rộn tiếng cười vui
Tôi làm thân khách đến chúc phúc mà thôi
Quà tôi mang đến trao chỉ mỗi hoa bằng lăng
Bởi mình nghèo nên chỉ đứng nép ngoài sân.
…
“Em giờ vui áo hoa tôi nhìn em lòng đau xót xa
Âm thầm tôi đứng im nỗi buồn sỏi đá
Tôi và chẳng xa nhưng vì tôi ngại nên đứng xa
Thôi đành ôm nuối tiếc một giấc mơ”.
Bài thơ về hoa bằng lăng
Thơ về bằng lăng không chỉ nhuộm đầy sắc tím mộng mơ mà còn chứa đầy nỗi nhớ, sự hoài niệm của những người thi sĩ.
“Đã trôi đi bao mùa trăng phai nhạt
Đã bao mùa bằng lăng lãng quên xa
Bụi rêu phong phủ mất lối người qua
Mùa buồn khóc cho điều chưa dám nói…”
(Hoa tím bằng lăng – Phú Sĩ)
“Tím lung linh một con đường
Bằng lăng trên phố thân thương gọi hè
Nhanh nhanh tỉnh giấc đi về
Nắng lên rực rỡ mùa hè sắp sang”
(Bằng lăng phố – Thu An)
Tranh vẽ hoa bằng lăng
Tranh bằng lăng tím là một trong số những loại tranh phong cảnh cực kỳ nổi tiếng. Tranh được tạo thành từ nhiều chất liệu: Đá quý, sơn dầu, tranh thêu, canvas,… rất phù hợp cho người yêu hoa lựa chọn treo trang trí trong gia đình, phòng làm việc, văn phòng,…
>>> Xem thêm: Trồng hoa thanh xà bạch xà khu vườn phủ màu xanh tím đẹp vô cùng
Cách trồng hoa bằng lăng
Bằng lăng có nhiều cách thức trồng khác nhau trong đó chủ yếu là gieo hạt và chiết cành. Trong đó, gieo hạt vẫn là phương thức phổ biến, đạt hiệu quả nhất:
Gieo hạt
- Bước 1: Chọn hạt từ những cây to khỏe, không mắc sâu bệnh để lấy hạt. Thông thường, những cây từ 10 – 20 năm tuổi thường cho hạt đảm bảo chất lượng nhất. Sau khi quả chín thì chọn mang đi phơi dưới vài nắng nhẹ cho quả khô. Tiếp đó, thu quả lấy hạt.
- Bước 2: Ngâm hạt trong nước ấm khoảng 40 – 50 ℃, để nguội dần từ 10 – 12h. Đợi hạt lép thì ủ trong túi vải. Mỗi ngày thực hiện rửa chua 1 lần trong nước ấm từ 30 – 40 ℃. Khi hạt nứt nanh thì mang gieo vào trong khay cát hay túi bầu.
- Bước 3: Lấp lớp đất dày khoảng 1cm. Sau đó, tủ rơm, rạ, làm giàn che cho cây con. Độ che bóng duy trì trong khoảng từ 60 – 70%. Sau vài ngày thực hiện gieo, hạt sẽ bắt đầu nảy mầm.
- Bước 4: Lấy bớt rơm ra tránh gây tổn thương tới mầm cây con. Các bạn có thể sử dụng ươm trong các tháng 2 – 3 Dương lịch.
Trồng cây con
Nếu trồng cây bằng lăng sử dụng làm cây công trình, cây trồng ngoại cảnh thì nên chọn cây cao khoảng hơn 2m để thực hiện gieo trồng. Đồng thời, bầu cần cần chắc chắn, đảm bảo độ tuổi trong vườn ươm khoảng 2 năm trở lên. Như vậy, cây mới đảm bảo được mức độ an toàn cũng như tỷ lệ sống khi ra ngoài.
- Bước 1: Đào hố, bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, rắc vôi ở xung quanh, sau khoảng 15 ngày mới bắt đầu trồng. Chiều dài hố rộng, to gấp đôi bầu. 40 x 40 x40 cm hay 60 x 60 x 60cm.
- Bước 2: Đặt bầu xuống tháo hết túi nilon bao quanh bầu, tránh làm ảnh hưởng cũng như vỡ bầu.
- Bước 3: Lấp đất ở xung quanh và nén lại, giữ cây luôn thẳng.
- Bước 4: Sử dụng các cây chống ở xung quanh cho cây không bị nghiêng khi trồng.
- Bước 5: Tưới nước ngay sau khi trồng giúp đảm bảo được độ ẩm cho cây luôn xanh tươi.
>>> Có thể bạn muốn biết: Đắm chìm trong sắc tím hoa cát cánh nơi cao nguyên lộng gió
Hoa bằng lăng ghép tường vi
Tường vi ghép bằng lăng đang là xu thế chơi hoa của nhiều người. Cây hoa ghép có đặc điểm không rụng lá, lá xanh cứng hơn tường vi thường nhìn rất đẹp mắt. Hoa của cây ghép cũng nở rộ, lâu tàn hơn tường vi. Cây sau khi ghép hoàn thiện, phát triển khỏe, chịu được hạn tốt, không mắc sâu bệnh, kể cả khí hậu lạnh cũng không bị rụng lá:
Chuẩn bị:
- Dao, kéo.
- Băng dính đen, dây buộc, bao nilon.
- Cành bánh tẻ cây tường vi, thân cây bằng lăng.
Thực hiện:
- Bước 1: Chọn cành bánh tẻ của cây tường vi, bỏ bớt lá, cắt vát ở cành.
- Bước 2: Chọn cây bằng lăng có độ cao vừa phải, chặt cành còn lại nửa thân.
- Bước 3: Tách vỏ cây bằng lăng. Ghép cành tường vi vào khe vỏ vừa tách. Tiếp tục thực hiện xung quanh thân cây. Sau một thời gian, kết cấu tế bào hai cây ghép sẽ tự liền lại tạo thành cây lai.
- Bước 4: Dùng băng dính đen quấn quanh thân cây vừa ghép.
- Bước 5: Ở phía gần gốc của thân tạo một hình chữ T trên thân. Ghép một cành tường vi vào khe vừa tách sao cho nhựa có thể dẫn lên thân.
- Bước 6: Dùng dây buộc quanh vị trí vừa ghép.
- Bước 7: Dùng bao nilon trùm kín vị trí vừa ghép.
Cách chăm sóc cây bằng lăng
Để cây bằng lăng phát triển tốt người trồng cần biết cách thức chăm sóc đúng kỹ thuật:
Nước tưới
Sau khi trồng cây cần tưới nước, cung cấp độ ẩm giúp cây nhận được nước tưới hồi xanh cây dễ dàng. Sử dụng nước sạch tưới cho cây tránh làm nguồn bệnh lây tới cây. Khi cây ra hoa cũng là thời điểm cây cần nhiều nước nhất nên cần đặc biệt chú tâm vào thời điểm đó.
Nguồn sáng, nhiệt độ
Bằng lăng vốn là cây ưa sáng, nên trồng tại những nơi thoáng mát, nhiều không gian. Khi cây còn nhỏ có thể che chắn mỗi khi gió to, nắng gắt. Nhiệt độ trồng cây nên duy trì trong khoảng từ 18 – 30 độ.
Phân bón
Sử dụng phân vi lượng, hữu cơ, phân hoai mục 4 tháng đầu/lần với khối lượng 0.1 – 1,2kg/gốc. Cung cấp 6 tháng 1 lần phân NPK (15:15:15) 100g/gốc. Các năm sau đó nên tăng dần lượng phân lên. Khi bón nên bón vào thời điểm làm cỏ, vun gốc vào đầu, giữa và cuối thời điểm mùa mưa.
Luôn đảm bảo cho cây con đủ ấm, 2 tuần/lần làm cỏ, phá váng, tưới thêm 1 ít phân NPK: 30 – 30 – 30, pha loãng 1% để tưới. Sau khi tưới phân cần tưới lại nước lạnh để không làm cháy lá của cây.
Cắt tỉa
Người trồng nên định kỳ xới đất, dọn cỏ, cắt tỉa cành dưới thấp, tạo độ thông thoáng. Bên cạnh đó, giúp cây dồn dinh dưỡng ở phần tán của cây.
Phòng sâu bệnh hại
Bằng lăng ít gặp sâu bệnh hại. Tuy nhiên, đôi khi cũng gặp các trường hợp như sâu ăn lá, đục thân. Người trồng nên quét vôi tại gốc, theo dõi liên tục để có biện pháp diệt trừ khi mắc phải.
Vẻ đẹp của hoa bằng lăng
Bằng lăng vốn là loài hoa gắn liền với tuổi học trò. Những cánh hoa mang sắc tím đặc trưng, nở thành chùm vô cùng đẹp mắt. Dưới đây là một số những hình ảnh về loài hoa các bạn hãy cùng chiêm ngưỡng nhé!
Hoa bằng lăng đã đi qua bao mùa hạ, chứng kiến biết bao mùa chia ly của các lứa tuổi học trò, với bao kỷ niệm đẹp của tình yêu đôi lứa. Ngắm nhìn những cánh bằng lăng càng thêm yêu và nhớ về những ngày xưa cũ với biết bao những kỷ niệm không thể nào quên.
Câu hỏi về hoa bằng lăng
Trong quá trình tìm hiểu về bằng lăng, Hoàng Yến Group đã tổng hợp một số những câu hỏi liên quan về giống hoa này. Các bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về loài hoa mùa hè này.
Hoa bằng lăng ăn được không?
Có. Người miền Tây thường chế biến gỏi từ hoa của cây bằng lăng rất ngon miệng. Đây là món ăn dân dã, độc đáo khách du lịch nên thử khi tới miền Tây. Ngoài ra, hoa của cây này còn được người dân sử dụng trong món lươn um chuối xanh cho vị rất đặc biệt.
Lá bằng lăng non được sử dụng ăn như rau sống. Lá có vị ngọt, chát đan xen nhau, ăn cùng bánh xèo rất hợp vị vì có thể cân bằng được độ béo ngậy của bánh.
Hoa bằng lăng thường có màu gì?
Bằng lăng nở thường có màu tím đậm, nhạt dần tới khi rụng. Hoa mọc tại vị trí đầu cành tạo thành chùm. Cành hoa thường có chiều dài khoảng từ 20 – 30cm.
Hoa bằng lăng đẹp nhất Việt Nam
Cây bằng lăng đẹp nhất Việt Nam được trồng tại thôn Liêm Thái, xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Cây hoa đã thu hút người dân địa phương cũng như du khách đổ xô về chiêm ngưỡng với vẻ đẹp có một không hai.
Cây cho hoa nở đều cùng lúc, dày đặc mà ít có cây hoa nào có được. Mỗi nụ nở ra 6 cánh màu tím, nhụy vàng ở giữa cực kỳ đẹp mắt.
Hoa bằng lăng thường nở vào mùa nào?
Thời gian hoa nở từ cuối tháng 4 tới giữa tháng 6. Thời điểm cây bằng lăng nở nhiều nhất, và cũng là khoảnh khắc đẹp nhất tạo nên diện mạo cho mùa hè sôi động.
Bằng lăng có nên trồng trước nhà?
Có. Cây bằng lăng là giống hoa dễ trồng, màu sắc đẹp nên được nhiều gia đình chọn lựa trồng làm cảnh. Cây mọc thẳng đứng, tán rộng, có khả năng lọc không khí, góp phần làm cho không gian thêm phần thoáng mát cũng như sạch bụi.
Hơn nữa, bằng lăng là giống hoa biểu trưng cho tình yêu trong sáng, thuần khiết đầu đời. Không chỉ đại diện cho tình yêu, hoa cũng biểu trưng cho tình bạn đáng nhớ.
Theo quan niệm phong thủy, trồng cây bằng lăng trước nhà khá tốt. Màu tím của hoa là màu của sự thủy chung, yêu thương, hạnh phúc, yên ấm. Không những vậy, cây hoa còn là niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp, tươi sáng.
Tuy nhiên, khi trồng cần chú ý không trồng đối diện cổng, cửa chính, lối đi lại. Phù hợp nhất nên trồng tại những khoảng sân nhỏ hay bên trái, phải của ngôi nhà.
Cây bằng lăng hợp mệnh nào?
Bằng lăng hợp với người mệnh Hỏa. Cây hoa sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp chủ nhân kiên định với những lựa chọn và quyết định của mình. Hoa cũng mang tới tài lộc, may mắn, gia đạo an yên. Hoa cũng hợp với người mệnh Mộc mang tới vượng khí cũng như tài lộc.
Vân Nguyễn 17/02/2024